HƯỚNG DẪN HỌC SINH CÁCH SƠ CỨU TÂM LÝ KHI ĐỐI MẶT SỰ KIỆN GÂY KHỦNG HOẢNG

🌸Trong môi trường học đường hiện nay, học sinh thường phải đối mặt với các sự kiện gây khủng hoảng, những tình huống vượt quá ngưỡng chịu đựng tâm lý làm các em cảm thấy hoang mang, lo sợ, và dễ rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Các sự kiện này không chỉ tạo ra áp lực nặng nề mà còn làm lung lay sự tự tin và mất dần cảm giác an toàn, khiến các em khó lòng tìm thấy điểm tựa khi đứng trước những thách thức bất ngờ và phức tạp trong cuộc sống học đường. Các sự kiện này có thể kể đến như:

 

Sự kiện gây khủng hoảng

Tác động tâm lý đối với học sinh

Áp lực học tập và thành tích
  • Kỳ vọng đạt điểm cao và lo lắng về thành tích có thể trở thành gánh nặng tâm lý. Nếu học sinh cảm thấy mình không thể đạt được mong muốn của gia đình, nhà trường hoặc chính bản thân, các em dễ rơi vào trạng thái kiệt sức, lo âu và thậm chí là trầm cảm.
Xung đột với bạn bè
  • Mâu thuẫn với bạn bè khiến học sinh dễ cảm thấy cô đơn, bị cô lập và mất đi cảm giác thuộc về nhóm. Những xung đột này có thể làm suy giảm sự tự tin, khiến các em lo lắng khi đến trường, giảm đi niềm vui trong học tập và sinh hoạt.
Xung đột với thầy cô
  • Mâu thuẫn với thầy cô khiến học sinh cảm thấy bất an và mất đi điểm tựa trong học tập. Sự bất hòa với thầy cô có thể làm các em căng thẳng, mất hứng thú học tập, và cảm thấy môi trường học đường trở nên áp lực.
Xung đột với người thân
  • Mâu thuẫn với gia đình, đặc biệt là cha mẹ, làm suy yếu nguồn động viên và hỗ trợ lớn nhất của học sinh. Các em có thể cảm thấy không được thấu hiểu, bị áp đặt, hoặc xa cách gia đình, từ đó mất niềm tin và khó cân bằng cảm xúc.
Bắt nạt trên mạng
  • Bắt nạt trên mạng có thể lan truyền nhanh và xảy ra liên tục, khiến học sinh cảm thấy không an toàn và mất kiểm soát. Những lời nói, hình ảnh hay bình luận tiêu cực dễ làm các em mất tự tin, tổn thương lòng tự trọng và dẫn đến lo âu, trầm cảm, dần chán nản và mất hứng thú trong học tập và cuộc sống.
Biến cố gia đình
  • Các biến cố gia đình như ly hôn, mất mát người thân, hoặc khó khăn tài chính gây khủng hoảng tâm lý cho học sinh. Các em có thể cảm thấy lo lắng, mất an toàn và gặp khó khăn trong việc tập trung học tập cũng như duy trì sự ổn định tinh thần.
Bị lừa đảo, phỉ báng hoặc bị xâm hại quyền riêng tư
  • Khi bị lừa lấy thông tin cá nhân, bị nói xấu, hoặc bị xâm phạm quyền riêng tư, học sinh dễ cảm thấy hoang mang, lo sợ và mất niềm tin vào người khác. Những tổn thương này gây ra cảm giác bất an, thiếu tự tin và ảnh hưởng đến khả năng tập trung học tập.

🌸 Việc thiếu kỹ năng tự sơ cứu tâm lý trong những tình huống này làm cho các em dễ bị cuốn sâu vào cảm xúc tiêu cực và mất đi sự cân bằng trong cuộc sống. Những thử thách bất ngờ khiến các em hoang mang và trở nên dễ tổn thương, dễ bị kích động và khó lòng tìm ra lối thoát. Để giúp các em học sinh tự tin ứng phó với các tình huống khủng hoảng, Học viện METTASOUL giới thiệu phương pháp Sơ cứu tâm lý – Kỹ năng cơ bản và thiết thực, giúp các em nhận diện và kiểm soát cảm xúc của mình khi gặp khó khăn.

Sơ cứu tâm lý là gì?

Sơ cứu tâm lý là những biện pháp và kỹ thuật được áp dụng ngay lập tức để hỗ trợ tinh thần và ổn định cảm xúc ban đầu trong tình huống khẩn cấp hoặc khủng hoảng. Trong môi trường học đường, sơ cứu tâm lý có thể áp dụng trong các trường hợp như trường học có hoả hoạn, xảy ra tai nạn, nguy cơ lớp học có bạn muốn tự tử, bị xung đột với thầy cô, xung đột với bạn bè như đánh nhau, bị cô lập, bị bắt nạt, bị lừa đảo, phỉ báng hoặc bị xâm hại quyền riêng tư…

Cách để tự sơ cứu tâm lý

Dưới đây là các bước đơn giản mà học sinh có thể thực hành ngay khi đối diện với tình huống căng thẳng gây khủng hoảng:

🔷 Bước 1. Nhận diện cảm xúc và phản ứng ban đầu

Trước hết, điều quan trọng là các em học sinh cần nhận diện rõ cảm xúc của bản thân khi đối mặt với khủng hoảng, dù đó là lo lắng, sợ hãi, tức giận hay buồn bã. Việc gọi tên cảm xúc sẽ giúp các em thấu hiểu và bớt cảm thấy choáng ngợp. Để làm điều này, các em có thể tự hỏi: “Mình đang cảm thấy gì?”, hoặc ghi lại cảm xúc của mình ra giấy để nhìn nhận rõ hơn về trạng thái hiện tại.

🔷 Bước 2. Học cách tự trấn an

Khi cảm xúc dâng trào, việc trấn an bản thân sẽ giúp các em ổn định nhanh chóng. Một số kỹ thuật hiệu quả bao gồm:

  • Hít thở sâu: Hít vào thật sâu qua mũi, giữ hơi trong vài giây, và thở ra từ từ qua miệng. Lặp lại động tác này giúp làm dịu hệ thần kinh và đưa các em trở lại trạng thái bình tĩnh.
  • Tập trung vào hiện tại: Nhắc nhở bản thân rằng các em đang ở hiện tại và chỉ cần bình tĩnh giải quyết từng việc một.
  • Suy nghĩ tích cực: Hãy nhìn nhận rằng mỗi thử thách là một cơ hội để bạn phát triển, học hỏi và rèn luyện bản thân. Khi gặp vấn đề, hãy đặt câu hỏi: “Mình có thể học được gì từ tình huống này?” hoặc “Đâu là bước tiếp theo để vượt qua?”. Từng bước giải quyết sẽ giúp bạn thấy rõ hơn giá trị của việc kiên trì và giúp xây dựng nội lực vững chắc. Bằng cách suy nghĩ tích cực, tập trung vào giải pháp và tin tưởng vào khả năng của mình, bạn sẽ gia tăng khả năng ứng phó với sự kiện gây khủng hoảng.

🔷 Bước 3. Kiểm soát suy nghĩ tiêu cực

Những suy nghĩ tiêu cực thường có xu hướng chiếm lĩnh tâm trí và gây ra căng thẳng lớn hơn. Các em học sinh có thể tự mình kiểm soát suy nghĩ tiêu cực bằng các gợi ý như:

  • Tự hỏi bản thân: “Suy nghĩ này có thật sự đúng không?” hoặc “Mình có thể làm gì tích cực hơn để thay đổi cách nhìn nhận này?”. Thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng tư duy tích cực, tập trung vào những điều mà các em có thể kiểm soát thay vì lo lắng về những điều ngoài tầm với.
  • Viết nhật ký cảm xúc để thấu hiểu cách các em phản ứng trong từng tình huống phát sinh hàng ngày. Từ đó, dần cải thiện những niềm tin tiêu cực bằng cách suy nghĩ tích cực hơn, hướng đến giải pháp và duy trì sự bình tĩnh khi đối mặt với thử thách.

🔷 Bước 4. Xây dựng niềm tin vào khả năng phục hồi của bản thân

Hãy tự mình học cách khuyến khích bản thân rằng mình có thể tự vượt qua khó khăn, đây là yếu tố quan trọng giúp các em xây dựng sự kiên cường. Tự nhủ rằng các em có đủ sức mạnh để đối mặt với bất kỳ thách thức nào và mỗi lần vượt qua khó khăn, các em sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Điều này không chỉ giúp các em bình tĩnh trong thời điểm hiện tại mà còn mang lại niềm tin cho tương lai. Em có thể tạo cho mình câu thông điệp sống ý nghĩa, để mỗi khi khó khăn em lại lấy đó làm động lực vươn lên.

🔷 Bước 5. Tìm kiếm hỗ trợ phù hợp và chuyên nghiệp

METTASOUL khuyến khích các em nhận biết khi nào cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý. Điều này không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, mà là hành động của sự dũng cảm và trách nhiệm đối với sức khỏe tinh thần. Học viện METTASOUL luôn sẵn sàng đồng hành với các em qua các buổi tư vấn tâm lý chuyên nghiệp từ những chuyên viên đầy kinh nghiệm, giàu yêu thương.

Tại Học viện kỹ năng sống METTASOUL, các em học sinh có thể đăng ký Tham vấn linh hoạt qua các hình thức:

  • Tham vấn tâm lý trực tiếp tại Phòng Tham vấn học đường các Trường học thông qua kết quả đăng ký online hoặc từ đề xuất của Nhà trường.
  • Tham vấn tâm lý trực tiếp tại Viện Tâm lý SUNNYCARE đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý.
  • Video call 1:1 cùng chuyên viên tâm lý METTASOUL
  • Email, điện thoại…theo nguyện vọng của học sinh qua link đăng ký tham vấn online.

🌸 Học viện kỹ năng sống METTASOUL cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em học sinh có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý khi cần thiết. Bên cạnh các hình thức tham vấn trên, Học viện còn tổ chức các buổi hội thảo, chuyên đề về sức khỏe tinh thần trong môi trường học đường, giúp các em trang bị kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ sức khỏe tâm lý. Ngoài ra, METTASOUL còn phát triển những tài liệu, cẩm nang hướng dẫn cụ thể để học sinh dễ dàng nhận diện các dấu hiệu của căng thẳng, khủng hoảng và cách thức ứng phó. Học viện mong muốn các em hiểu rằng tìm đến sự hỗ trợ không chỉ giúp bản thân vượt qua thử thách mà còn lan tỏa thông điệp tích cực về tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý. Các em có thể hoàn toàn an tâm rằng đội ngũ chuyên viên tâm lý của METTASOUL luôn đồng hành, sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ, tạo ra không gian an toàn, ấm áp để các em vượt qua mọi khó khăn và phát triển toàn diện.
🌸Trên đây là hướng dẫn giúp các em học sinh tự sơ cứu tâm lý khi đối mặt với các tình huống khủng hoảng trong học đường. Mong rằng với những kỹ năng thiết thực này, các em sẽ luôn biết cách bảo vệ sức khỏe tinh thần, giữ vững sự bình tĩnh và tự tin vượt qua mọi thử thách. Mến chúc các em luôn mạnh mẽ, biết yêu thương bản thân và sẵn sàng tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết để phát triển toàn diện và hạnh phúc trong môi trường học đường.

HỌC VIỆN METTASOUL!