Trường THPT Nguyễn Huệ
Khối lớp: 10
Giáo viên: Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh – Giáo viên Học viện METTASOUL
Ngày nay, theo cùng với sự phát triển chóng mặt của xã hội, những sản phẩm công nghệ tối tân ra đời, những tòa cao ốc chọc trời được xây lên, những công trình đô thị hóa hiện đại hóa len lỏi đến mọi miền đất nước, đời sống con người cũng nhờ vậy mà ngày một tiện nghi hơn. Nhưng đồng thời, để làm được điều ấy những cây xanh phải liên tục bị đốn hạ, lượng khí ô nhiễm thải ra môi trường sẽ ngày một tăng lên, Trái Đất phải gánh chịu lượng rác thải khổng lồ từ con người,… Rồi một ngày, chính sự tiện lợi nhất thời mà chúng ta đang hướng đến sẽ tàn phá chính môi trường sống của ta nếu câu chuyện bảo vệ môi trường tiếp tục bị phớt lờ và xem nhẹ. Hiểu được tầm quan trọng và cấp thiết của điều ấy, Học viện METTASOUL đã mang đến cho các em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ chuyên đề “Ý thức bảo vệ môi trường” nhằm giúp các em hiểu hơn về thực trạng hiện nay của môi trường xung quanh ta và vai trò của mỗi cư dân trên Trái Đất là gì. Buổi chuyên đề diễn ra với sự hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt từ các em học sinh. Hãy cùng Học viện METTASOUL nhìn lại những khoảnh khắc trong buổi chuyên đề ấy nhé!
Với chuyên đề gần gũi thực tế này, cô Mỹ Linh đã cùng các em học sinh khối 11 trường THPT Nguyễn Huệ đi qua 2 tiết học vô cùng sôi nổi và thú vị. Các em được tham gia các hoạt động đa dạng dưới sự dẫn dắt khéo léo của cô Mỹ Linh, để từ đó cả cô và trò cùng đi qua các tầng bậc cảm xúc, từ vui tươi hào hứng khi tìm các đồ vật bằng nhựa mà cô Linh yêu cầu, đến trăn trở suy tư khi cùng xem qua các số liệu đáng báo động về thực trạng ô nhiễm môi trường.
Hình 1 Các em học sinh chăm chú nghe cô Linh điều phối hoạt động
Với mong muốn làm sao có thể truyền tải kiến thức đến các em học sinh một cách gần gũi và trực quan nhất, đội ngũ giáo viên của Học viện METTASOUL luôn tận tâm và chỉn chu trong cách soạn giáo án và thiết kế các hoạt động. “Bảo vệ môi trường” không chỉ còn là câu cổ động suông qua cách dẫn dắt nội dung tài tình của cô Mỹ Linh, mà thay vào đó các em học sinh được tham gia các hoạt động như “Lớp ta cần” để cùng nhận diện tình trạng con người hiện đang “phụ thuộc” vào sản phẩm nhựa như thế nào, rồi thử tài làm “MC thời tiết” để đưa tin đến mọi người về các vấn đề xoay quanh môi trường sống chúng ta.
Tưởng chừng như chỉ là hoạt động warm-up khởi động thông thường, hoạt động “Lớp ta cần” với những yêu cầu như: “Các bạn hãy tìm một cây bút!”, “Các bạn hãy tìm một chiếc giày”, “Các bạn hãy tìm một túi nilon”,… để rồi chỉ sau vài phút, bàn giáo viên đã đầy ắp những sản phẩm nhựa. Lối sống tiêu dùng đã đi vào thói quen của con người, thường trực như hơi thở, để rồi ta có thể thấy rằng xung quanh ta đâu đâu cũng toàn là nhựa! Bài học được bắt đầu từ những nhận diện đơn sơ ấy, nhưng đủ để thu hút toàn bộ sự chú tâm của các bạn học sinh.
Bước vào nội dung chính, các em học sinh được hóa thân thành những “người dẫn chương trình”, “biên tập viên đài truyền hình” hay “phóng viên tại hiện trường” để cùng trải nghiệm đưa tin về thực trạng môi trường hiện nay.
Hình 2 Các nhóm tích cực thực hiện bảng tin thời tiết để đưa đến cả lớp
Những bản tin thời tiết, môi trường thường không chiếm được nhiều sự ưu ái của các bạn trẻ, nhưng qua hoạt động này các bạn lại năng nổ hơn cả, cũng nhiệt huyết và năng lượng không kém cạnh gì những MC thực sự. Mỗi nhóm với mỗi chủ đề và lối dẫn dắt riêng, có nhóm khai thác về “Ô nhiễm tiếng ồn”, một nhóm khác lại trình bày về “Ô nhiễm nguồn nước”,… Có những em với sự hóm hỉnh và khả năng hoạt ngôn của mình gần như thu hút toàn bộ sự chú ý của lớp. Chỉ riêng sự chuẩn bị cho bản tin của mình, chính mỗi em cũng đã có cơ hội dừng lại đôi phút để tìm hiểu về thực trạng môi trường hiện nay.
Hình 3 Lần lượt từng “MC” của mỗi nhóm lên đưa tin cho lớp
Không chỉ dừng lại ở đó, các bạn học sinh còn được tự tay thiết kế những sản phẩm thủ công đẹp mắt bằng chính những lá cây, nắp chai nhựa vô cùng gần gũi và thiết thực. “Bảo vệ môi trường” không chỉ là vứt rác đúng nơi quy định mà còn là cố gắng tái sử dụng và kéo dài vòng đời của những sản phẩm nhựa khó tiêu hủy này. Một trong những cách có thể kể đến là biến hóa chúng, tô điểm thêm sắc màu cho chúng, để từ những sản phẩm đáng ra bị vứt đi thì nay lại tiếp tục làm đẹp cho môi trường sống quanh ta. Với thông điệp và lời nhắn nhủ ấy, cô Mỹ Linh đã hướng dẫn các bạn học sinh cách để tái sử dụng các sản phẩm nhựa và biến hóa chúng trở nên hữu ích hơn.
Hình 4 Những sản phẩm vô cùng sáng tạo được tận dụng từ những vật liệu vô cùng đơn giản và gần gũi
Hình 5 “Con đường với hai hàng cây xanh” qua sự khéo léo của các em học sinh
Cuối giờ, cả tập thể cô và trò cùng đi qua các đoạn video phóng sự và báo cáo số liệu về tình trạng rác thải nhựa hiện nay. Những nụ cười, sự phấn khởi khi tham gia các hoạt động trước đã không còn thấy trên vẻ mặt hồn nhiên của các em học sinh, mà thay vào đó là sự trăn trở, suy tư về những hệ lụy khôn lường mà có lẽ không bao lâu nữa thôi xã hội sẽ phải đối diện. Các suy tư ấy của các em là sự thành công lớn cho tiết học của cô Mỹ Linh hay Học viện METTASOUL, chính bởi khi ấy các em đã bước đầu nhận diện được vấn đề và lựa chọn thay đổi thói quen của mình.
Hành trình ươm mầm những tư duy tích cực, những thói quen, lối sống lành mạnh cho các em học sinh là một hành trình dài mà đòi hỏi đội ngũ giáo viên ở Học viện METTASOUL phải luôn nỗ lực từng ngày. Tuy vậy, các Thầy Cô ở Học viện METTASOUL luôn được tiếp thêm nguồn năng lượng để đi chặng hành trình ấy bằng ngọn lửa yêu nghề trong mình và bằng chính tình yêu thương mà các em học sinh đáp lại. Chuyên đề “Ý thức bảo vệ môi trường” đã khép lại với sự đón nhận nhiệt tình từ các em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, Học viện METTASOUL mong rằng các kiến thức ấy sẽ theo cùng các em trên chặng đường sau này để mỗi cư dân trên hành tinh xanh của chúng ta sẽ đều là những cư dân nghĩ đúng – sống đẹp.