Giáo viên: Lê Việt Hằng
Trường: THCS Bàn Cờ
Học sinh khối lớp: 6
Sống hòa hợp với các mối quan hệ trong xã hội sẽ giúp cho việc cân bằng cuộc sống cá nhân diễn tiến thuận lợi hơn. Cá nhân sẽ cảm thấy được ghi nhận trong tập thể, được hỗ trợ khi khó khăn, được kết nối tương thân tương ái trong các công tác đời sống. Việc kiến tạo các mối quan hệ tốt đẹp chính là bước đầu để cá nhân hòa mình vào đời sống tập thể xã hội. Đây chính là kỹ năng cần thiết mà mỗi người chúng ta cần phải trau dồi. Đặc biệt là đối với các em học sinh, đang trong độ tuổi học cách tách dần gia đình để tương tác với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. Các mối quan hệ lành mạnh được cấu thành từ các yếu tố lòng tin, có sự tôn trọng, trách nhiệm, chấp nhận sự khác biệt, cởi mở và hỗ trợ nhau sẽ giúp các em học sinh tự tin yêu thích đến trường. Học viện METTASOUL đã luôn nỗ lực mang đến những chuyên đề kỹ năng sống chất lượng đến với học sinh, trong đó chuyên đề KIẾN TẠO MỐI QUAN HỆ TỐT ĐẸP đã mang lại những hiệu quả nhất định. Nhật ký giảng dạy số lần này sẽ chia sẻ về lớp học của cô Việt Hằng cùng các em học sinh lớp 6 trường THCS Bàn Cờ.
Mở đầu tiết học hôm ấy, cô Việt Hằng tạo bất ngờ và gây tò mò cho các em học sinh với phương pháp trực quan sinh động thông qua hình ảnh hai chiếc bật lửa màu xanh và màu đỏ. Chiếc màu đỏ được thả vào chiếc bình chứa đầy nước và khi được lấy ra khỏi bình, nó đã không thể tự mình quẹt lửa được nữa. Thế thì lúc ấy, ta phải làm như thế nào để nó hoạt động bình thường trở lại? Trước tình huống được đặt ra, các em đã nhanh chóng đưa ra một số ý tưởng của riêng mình như đợi đến khi khô hẳn, bật lửa có thể quẹt trở lại hay chiếc bật lửa ấy đã không còn đánh lửa được nữa,….Bật mí cho câu trả lời, cô Việt Hằng đã dùng đến chiếc màu xanh quẹt và châm lửa vào chiếc màu đỏ còn lại. Kết quả là chiếc màu đỏ đã có thể cháy lửa trở lại. Vậy thông qua hai chiếc bật lửa trên, bài học dành cho các em là gì và làm thế nào để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp?
(Chiếc bật lửa màu đỏ được thả vào chiếc bình chứa đầy nước)
(Cô Việt Hằng đã dùng đến chiếc bật lửa màu xanh quẹt và châm lửa vào chiếc màu đỏ còn lại.)
Chiếc màu đỏ tượng trưng cho mỗi chúng ta và bình chứa đầy nước đại diện cho những điều bất như ý, khó khăn, bất cập,…trong cuộc sống. Và khi ta “rơi” vào những điều không lành mạnh ấy, ta dường như gặp nhiều trắc trở để tự mình thoát ra. Ngay lúc ấy, có một người giúp đỡ – chiếc bật lửa màu xanh, sẽ cho ta thêm sức mạnh và sự ấm áp để quay trở lại vận hành cuộc sống cân bằng của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, giúp đỡ người khác là một trong những cách kiến tạo nên mối quan hệ tốt đẹp và cũng nhờ mối quan tốt đẹp, ta sẽ gặp được người tốt bụng, chân thành trong những lúc gian nan.
(Giúp đỡ người khác là một trong những cách kiến tạo nên mối quan hệ tốt đẹp)
Tiếp nối nội dung bài học, các em được tham gia vào hoạt động làm việc nhóm để thay phiên nhau liệt kê những đặc điểm của người bạn tốt và người bạn chưa tốt. Với tinh thần sôi nổi và nhiệt huyết, các nhóm vô cùng tích cực ghi thật nhiều suy nghĩ cũng như quan điểm của mình lên bảng để cả lớp cùng theo dõi. Các em đã thể hiện sự sâu sắc, đa dạng góc nhìn trong nội dung các em mang lại.
(Các em được tham gia vào hoạt động làm việc nhóm để thay phiên nhau liệt kê những đặc điểm của người bạn tốt và người bạn không tốt.)
Thông qua bài học về chiếc bật lửa và hoạt động thi đua làm việc nhóm, cô Việt Hằng cùng các em đúc kết một số ý chính về việc tìm hiểu định nghĩa của mối quan hệ tốt đẹp, ý nghĩa của các mối quan hệ ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta – không chỉ đối với bạn bè mà còn với gia đình, thầy cô hay những người thân quen xung quanh mình. Để từ đó, các em sẽ được hiểu hơn về các cách thức giúp kiến tạo mối quan hệ tốt đẹp và học cách vận dụng vào thực tiễn đời sống.
(Các em sẽ được hiểu hơn về các cách thức giúp kiến tạo mối quan hệ tốt đẹp và học cách vận dụng vào thực tiễn đời sống.)
Một số thành viên xung phong được mời lên bảng cùng cô và các bạn còn lại suy ngẫm về các cách thức giao tiếp trước những tình huống giả định được cô đưa ra. Một cách linh hoạt và khéo léo, các em trình bày cách thức của mình như lắng nghe đối phương khi họ đang trò chuyện, không ngắt lời, nói leo, không phán xét hay đánh giá khi chưa hiểu rõ về một ai đó hoặc chân thành ngỏ lời làm quen với một người bạn mới,…..Kết thúc hoạt động này, các em hào hứng chia sẻ sẽ áp dụng ngay vào sinh hoạt hằng ngày với thầy cô, bạn bè,…và cả thành viên trong gia đình để không những trở thành những học sinh lễ phép, ngoan ngoãn mà còn đáng yêu, đáng mến.
(Các em học cách vận dụng kỹ năng tương tác xã hội vào đời sống thường nhật)
(Một số thành viên xung phong được mời lên bảng cùng cô và các bạn còn lại suy ngẫm về các cách thức giao tiếp trước những tình huống giả định được cô đưa ra.)
Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, bền vững là cần thiết và hữu ích đối với mỗi người. Hầu hết, chúng ta ai cũng có những ưu điểm riêng của mình, ai cũng hy vọng nhận được những lời yêu thương, động viên, khen ngợi hoặc khích lệ từ phía đối phương. Thế nên, hiểu được điều đó, các em học sinh sẽ học được cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh bằng cách cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ với mọi người xung quanh. Hãy nâng cao sự tôn trọng và những giá trị tích cực để vun đắp mối quan hệ tốt đẹp các em nhé!
(Hãy nâng cao sự tôn trọng và những giá trị tích cực để vun đắp mối quan hệ tốt đẹp các em nhé!)
Nhật ký giảng dạy kỹ năng sống số kỳ này tại trường THCS Bàn Cờ đã khép lại. Cảm ơn đọc giả đã quan tâm và theo dõi. Hẹn gặp lại vào số kế tiếp với những chuyên đề thú vị tuyệt vời!