Từ bao lâu nay, trường học dường như đã trở thành ngôi nhà thứ hai đối với các em học sinh, lịch sinh hoạt phần lớn xoay quanh các hoạt động học tập, vui chơi tại trường lớp cùng thầy cô và bạn bè. Thế nhưng, thực trạng bạo lực học đường dần trở thành đề tài nhức nhối gây nên nhiều lo lắng, nhiều em thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn xung đột dẫn đến gây hấn và sử dụng hành vi bạo lực. Học viện METTASOUL đã vô cùng trăn trở với sứ mệnh giáo dục, mong muốn xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực tại các trường đối tác, dưới sự cố vấn chuyên môn liên tục từ Viện Tâm lý SUNNYCARE, chuỗi chương trình CHĂM SÓC SỨC KHỎE TINH THẦN HỌC SINH đã được thực hiện tại rất nhiều trường học trong địa bàn Thành Phố. Trong đó, buổi chia sẻ chuyên đề: PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG vào sáng thứ hai đầu tuần tại trường THPT Nam Sài Gòn đã để lại nhiều bài học thú vị trong lòng học sinh.
(Cô Nguyễn Phương – Giáo viên giảng dạy Kỹ năng sống của Học viện METTASOUL, báo cáo viên chuyên đề “Phòng chống bạo lực học đường” tại trường THPT Nam Sài Gòn)
Mở đầu chuyên đề lần này, đại diện học sinh khối 11 và 12 gửi đến toàn trường một tiểu phẩm ngắn xây dựng tình huống thực tế mô phỏng lại quá trình từ xung đột ngôn từ dẫn đến bạo lực hành động. Từ tình huống trên, cô Nguyễn Phương đã cùng các em phân tích, nhìn nhận và xử lý vấn đề theo nguyên tắc giao tiếp bất bạo động.
(Tiểu phẩm ngắn xây dựng tình huống thực tế phản ánh trường hợp xảy ra xung đột giữa các em học sinh dẫn đến bạo lực trong môi trường học đường.)
“Theo dữ liệu của Bộ giáo dục và đào tạo, trung bình chỉ trong khoảng thời gian một năm học xuất hiện khoảng 1600 vụ bạo lực học đường trong phạm vi trong và ở ngoài nhà trường. Theo thống kê này thì cứ khoảng 5200 học sinh thì lại có 1 vụ đánh nhau và khoảng 11000 học sinh lại có một em phải nghỉ học vì đánh nhau. Ở Việt Nam, bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở hình thức đánh nhau tác động đến thể chất mà còn nhiều hành vi gây ảnh hưởng đến mặt tinh thần như hâm dọa, công kích, mỉa mai,….để lại những mặt tối ám ảnh trong suốt quá trình học tập sau này”. Một vài thông tin được cô Nguyễn Phương chia sẻ.
(Cô Nguyễn Phương chia sẻ tổng quan về thực trạng bạo lực học đường hiện nay)
Với tình trạng đáng báo động như vậy, nhất là bạo lực tinh thần, bạo lực ngôn ngữ sẽ càng làm các em cảm thấy tổn thương, chán nản, suy sụp,….và dễ phát sinh nhiều hành vi gây hấn hơn. Hoặc ngược lại, các em chọn cách thu mình, sống khép kín, không muốn tiếp xúc với bất kì ai hay va chạm với thế giới bên ngoài.
(Các em học sinh tìm hiểu về khái niệm “bạo lực học đường” thông qua ví dụ thực tiễn của cô Nguyễn Phương)
Dựa vào việc mở rộng nội dung chia sẻ liên quan đến bốn thành phần của “giao tiếp bất bạo động” là quan sát; bày tỏ cảm xúc; bày tỏ nhu cầu và đưa ra đề nghị, các em được hiểu rõ hơn về một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường có thể kể đến là những mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong học tập hoặc sinh hoạt hằng ngày khó có thể giảng hòa vì chưa biết cách đối thoại với nhau hay các em còn gặp nhiều khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc nên dễ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có,….và còn nhiều lí do liên quan khác.
(Các em học sinh tìm hiểu về nguyên nhân và hậu quả của “bạo lực học đường”)
Thông qua hành trình tìm hiểu trên, các em học sinh được tham gia vào hoạt động nêu quan điểm trước những tình huống giả định được cô Nguyễn Phương cung cấp để hiểu hơn về cách xử trí cũng như nhận diện đâu là nguy cơ bạo lực, đâu là không. Trước mỗi tình huống như vậy, nếu em nào đồng ý sẽ tiến lên một bước hoặc không đồng ý sẽ lùi xuống một bước. Sau đó, các em sẽ trình bày suy nghĩ vì sao lại lựa chọn như vậy. Cô Nguyễn Phương sẽ nhận xét và đúc kết sau phần thông tin của các em.
(Các em tham gia vào hoạt động nêu quan điểm và suy nghĩ trước các tình huống giả định mà cô cung cấp)
Chuyên để đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng học sinh và thầy cô những tâm tư đầy ấm áp
+ Thầy Nguyễn Quốc Bình – Giám thị trường THPT Nam Sài Gòn chia sẻ: “Trường có những chuyên đề như thế này đối với các em học sinh là rất quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, trong độ tuổi này, các em có những thay đổi về tâm sinh lý. Vậy nên, các chuyên đề như “Phòng chống bạo lực học đường” sẽ giúp các em rút ra những kinh nghiệm và bài học cũng như có thêm kỹ năng ứng phó với thực trạng bạo lực học đường để cùng xây dựng nên môi trường học đường thân thiện và lành mạnh.”
+ Em Trần Ngọc Hân lớp 12A5 chia sẻ: “Thông qua chuyên đề “Phòng chống bạo lực học đường”, em nhận ra mình cần học cách kiểm soát cảm xúc bản thân để tránh các trường hợp xung đột, mâu thuẫn giữa bạn học với nhau dẫn đến các ảnh hưởng không đáng có đối với nhà trường, gia đình, và bạn bè xung quanh”
+ Và em Nguyễn Khánh Linh lớp 12A5 cũng chia sẻ: “Điều em tâm đắc nhất khi tham gia chuyên đề lần này đó chính là tiểu phẩm giúp cho những chia sẻ của cô Nguyễn Phương ngày hôm nay trở nên thú vị và dễ dàng hình dung hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, thông qua tình huống thực tế, chúng em có cơ hội nêu lên quan điểm, suy nghĩ của mình cũng như được học cách xử trí khóa học, hợp lí với tình huống đó.”
Kết thúc chuyên đề cũng là lúc cô Nguyễn Phương mong muốn truyền tải một thông điệp đến các em học sinh trường THPT Nam Sài Gòn – Sự yêu thương chính là chìa khóa đẩy lùi bạo lực học đường. Hy vọng rằng, các em đã có ánh nhìn sâu sắc về việc nâng cao nhận thức Phòng tránh Bạo lực học đường, quyết tâm xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực.
Học viện METTASOUL xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, quý thầy cô trường THPT Nam Sài Gòn đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để buổi báo cáo chuyên đề được diễn ra thành công. Với nỗ lực mang đến chuỗi chương trình giúp các em học sinh phát triển toàn diện về tâm lý, kỹ năng và học tập tự tin, vững vàng trong cuộc sống, Học viện METTASOUL sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhà trường trong việc huấn luyện kỹ năng và tham vấn tâm lý học đường. Kính chúc toàn thể Qúy Thầy Cô và các em học sinh trường THPT Nam Sài Gòn gặt hái nhiều thành tựu trong giảng dạy và học tập.