Thần tượng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của hầu hết mọi người, đặc biệt đối với giới trẻ hay gần gũi hơn là các bạn học sinh trong độ tuổi teen. Đối với mỗi người, thần tượng có thể là những ngôi sao trong làng giải trí như ca sĩ, diễn viên,…hay trong các lĩnh vực khác như khoa học, chính trị, thể thao,….Nhưng dù thần tượng là ai đi chăng nữa, mọi khoảnh khắc sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu ta dành sự ngưỡng mộ một cách tích cực – biết kiểm soát cảm xúc, có chừng mực và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống học tập, làm việc thường ngày. Vì thế, để không rơi vào trạng thái “cuồng” thần tượng quá mức, ngay khi ngồi trên ghế nhà trường, các em cần học cách nhận biết đâu là xu hướng thần tượng nên và không nên theo đuổi. Hiểu được tính cấp thiết ấy, học viện METTASOUL đã mang đến chuyên dề “XU HƯỚNG THẦN TƯỢNG TUỔI TEEN” nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của các em về những tác hại của việc cuồng thần tượng.
Đồng hành cùng các em học sinh lớp 7A1, 7A2 và 7A6 của trường THCS Bàn Cờ là cô Lê Thảo – Giáo viên giảng dạy Kỹ năng sống của Học viện METTASOUL. Chỉ trong vòng 45 phút ở từng lớp, cô Lê Thảo đã cùng các em học sinh đã tạo nên một bầu không khí lớp học vô cùng hăng say và sôi nổi. Đến với mỗi lớp học, các em sẽ được tham gia trò chơi để khuấy động tinh thần học tập lúc đầu giờ và trò chơi mà cô Lê Thảo mang đến cho các em có tên là “Gương thần”. Ở trò chơi này, các em sẽ bắt cặp hai bạn với nhau, trong đó có một bạn làm “gương” và một bạn làm “người soi gương”. Sau khi hoàn thành lựa chọn vai trò, “người soi gương” sẽ lặp lại những hành động mà “gương” làm như một cách soi gương lẫn nhau.
(Cô Lê Thảo, giáo viên giảng dạy Kỹ năng sống tại Học viện METTASOUL)
(Các em lớp 7A1 tham gia hoạt động “Gương thần”)
(Các em lớp 7A2 tham gia hoạt động “Gương thần”)
(Các em lớp 7A6 tham gia hoạt động “Gương thần”)
Từ trò chơi này, cô Lê Thảo mong muốn gửi đến thông điệp dẫn dắt vào bài học đó chính là việc bắt chước theo người khác đôi khi sẽ mang đến cảm giác dễ chịu hoặc không dễ chịu. Cũng giống như việc lựa chọn thần tượng như một tấm gương, hình mẫu mà bản thân hướng đến hoặc yêu thích. Vậy nên, mỗi học sinh sẽ có cho mình những hình mẫu thần tượng rất riêng. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những điểm chung nhất định để đảm bảo đó là một hình mẫu phù hợp, lý tưởng và an toàn cho chính các em.
Tiếp nối nội dung bài học, các em học sinh được cô Lê Thảo hướng dẫn và phổ biến về hoạt động “Nhà điều tra”. Ở hoạt động này, các em sẽ học cách nhận biết xu hướng thần tượng thông qua việc tìm hiểu sở thích ở những người bạn bất kì của mình để đúc kết được đâu là những thần tượng nhận được hầu hết sự quan tâm của các bạn học sinh hiện nay. Sau quá trình tìm hiểu, đa phần các em học sinh ở cả ba lớp đề nhận biết khá tốt xu hướng thần tượng thường được hình thành từ các phương tiện truyền thông mà các em theo dõi hằng ngày như Facebook, Instagram, Tik Tok,…bên cạnh một vài yếu tố quyết định các em thần tượng một ai đó như vẻ đẹp, tài năng, sức ảnh hưởng, trào lưu theo số đông,…
(Các em khám phá xu hướng thần tượng của các bạn qua trò chơi “Nhà điều tra”)
(Những lá phiếu “Nhà điều tra” đã được hoàn thành)
(Một mẫu phiếu “Nhà điều tra” của các em)
(Nhận biết về tác hại của việc cuồng thần tượng quá mức)
Và cuối cùng, sau khi học cách nhận biết, các em cũng cần nhận thức tác hại của việc cuồng thần tượng quá mức có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hằng ngày. Ở phần cuối bài học, cô Lê Thảo mang đến cho các em những câu chuyện về tình huống vô cùng sinh động và thực tế giúp các em nhận biết rõ hơn về những điểm bất lợi có thể làm rối loạn việc học, việc nghỉ ngơi,…nếu cuồng thần tượng khó kiểm soát được.
(Cô Lê Thảo mang đến cho các em câu chuyện tình huống sinh động và thực tế)
Bên cạnh đó, các em còn được tham gia thi đua theo tổ qua hoạt động “Ai nhanh tay hơn”. Mỗi bạn ở các tổ sẽ thi nhau liệt kê trên bảng nhiều nhất có thể về những tác hại khi cuồng thần tượng và sau đó, giáo viên sẽ lần lượt đánh giá và đúc kết lại bài học – việc thần tượng một ai đó là một nét diễn biến tâm lý tự nhiên trong mỗi người chúng ta. Giữ cho mình một người để bản thân noi gương theo càng giúp ta có thêm động lực phấn đấu trong cuộc sống. Thế nhưng, việc thần tượng sẽ không còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nếu ta không biết kiểm soát và làm ảnh hưởng đến các khía cạnh khác trong cuộc sống. Vậy nên, hãy thần tượng một cách phù hợp và các em nhé!
(Hoạt động “Ai nhanh tay hơn”)
(Cô Lê Thảo nhận xét kết quả thi đua trò chơi “Ai nhanh tay hơn”)
Kết thúc các hoạt động vừa qua, cô Lê Thảo nhận ra rằng sự ham học hỏi, đóng góp tích cực vào bài học của các em đã giúp cô phần nào yên tâm về khả năng nhận diện xu hướng thần tượng của bản thân cũng như người xung quanh. Có cho mình một người để thần tượng là điều hoàn toàn tự nhiên diễn ra theo đúng nhu cầu yêu thích của mỗi người, việc thần tượng một ai đó còn giúp ta có thêm động lực phấn đấu để trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, nếu việc hâm mộ quá mức dẫn cuồng thần tượng thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, cô Lê Thảo hy vọng rằng thông qua bài học này, các em có thể học cách thần tượng một ai đó lành mạnh và tích cực nhé!