“Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một vụ học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ dánh nhau: cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.”
Trên đây là dòng thực trạng được Bộ GD&ĐT theo dõi và ghi nhận trong năm 2022, tình trạng bạo lực học đường cho đến nay vẫn trở thành đề tài vô cùng nhức nhói đối với hầu hết những người hoạt động trong ngành giáo dục và đặc biệt nhận được nhiều sự quan tâm của quý phụ huynh có con em còn đang ở độ tuổi đến trường. Trên thực tế, dù nhà trường đã có những biện pháp ngăn chặn bạo lực học đường nhưng vấn nạn này vẫn âm thầm diễn ra một cách khó kiểm soát. Nhằm nâng cao tinh thần hòa khí, đẩy lùi bạo lực học đường ngay khi còn có thể, trường THPT Nguyễn Huệ đã cộng tác với Học viện METTASOUL mang đến chuyên đề dưới sân cờ “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” dành cho học sinh các khối toàn trường vào đầu tháng 11 vừa qua.
(Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường năm học 2022-2023” tại trường THPT Nguyễn Huệ – quận 9)
Dẫn dắt cùng các em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ trong buổi sáng thứ Hai chào cờ sôi nổi ấy là cô Nguyễn Phương – báo cáo viên, giáo viên giảng dạy Kỹ năng sống tại Học viện METTASOUL cùng sự hỗ trợ của cô Cẩm Bình và cô Kim Mãi. Mở đầu buổi sinh hoạt, cô Nguyễn Phương cùng các em khuấy động bầu không khí bằng phần giao lưu làm quen theo đại diện một số lớp. Sự trao đổi nhỏ trước buổi chia sẻ cùng các em giúp cô hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của hầu hết những bạn đang tham gia vào chuyên đề dưới sân trường hôm ấy.
(Cô Nguyễn Phương – báo cáo viên, giáo viên giảng dạy Kỹ năng sống tại Học viện METTASOUL)
(Giao lưu làm quen đầu giờ theo đại diện lớp)
Tiếp nối nội dung diễn đàn, cô Nguyễn Phương có đôi điều chia sẻ cùng các em học sinh về thực trạng bạo lực học đường hiện nay cùng những hệ lụy mà vấn nạn này ảnh hưởng đến cuộc sống học tập của các em. Bạo lực học đường không chỉ tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, thể chất của người bị bắt nạt mà ngay cả người bắt nạt cũng chịu đựng nhiều tổn thương. Từ những dẫn dắt đó, cô Nguyễn Phương mời đại diện các bạn lên sân khấu cùng tham gia vào hoạt động nhận diện những hệ quả của bạo lực học đường với hình thức “tiến, lùi” theo lựa chọn đúng, sai ứng với từng câu hỏi. Như khi cô hỏi rằng “bạo lực học đường làm ảnh hưởng đến tình bạn” là đúng hay sai, các em sẽ đứng im nếu cho là đúng hoặc lùi lại một bước nếu cho đó là sai. Cứ như thế, các em lần lượt hoàn thành nhiệm vụ trả lời các câu hỏi mà cô đặt ra.
(Cô Nguyễn Phương chia sẻ về thực trạng bạo lực học đường hiện nay)
(Hoạt động nhận diện những hệ quả của bạo lực học đường)
Bên cạnh việc tìm hiểu về mối nguy hại của bạo lực học đường, các em cũng cần học cách phân biệt bốn loại bạo lực chính thường hay xảy ra, đó là: bạo lực bằng lời nói, bạo lực thân thể, bạo lực xã hội và bạo lực mạng thông qua trò chơi “ghép chữ vào ảnh”. Các em sẽ được phát bốn bức ảnh cùng với bốn từ khóa tương ứng với các loại bạo lực, sau đó các em cần ghép đúng bốn từ khóa ấy với hình ảnh mô tả đúng nội dung của từ khóa. Khi đã nắm vững cách nhận dạng các loại bạo lực ấy, các em phần nào có thể giúp đỡ bản thân tìm cách tránh xa khi vừa nhận thấy một vài dấu hiệu bạo lực sắp xảy ra hoặc hỗ trợ bạn bè xung quanh nếu không may bạn là nạn nhân của bạo lực học đường.
(Trò chơi “ghép chữ vào ảnh”)
Bạo lực học đường không phải là một vấn đề mới, nhưng mức độ và tính chất ngày càng nguy hiểm, phức tạp hơn. Bạo lực học đường giờ đây không chỉ dừng lại ở việc dùng nắm đấm, cú tát, chửi rủa mà còn áp dụng hình thức kêu gọi tẩy chay, lan truyền thông tin sai lệch, hùa nhau nói xấu bạn bè trên mạng xã hội,….Thế nhưng, một câu hỏi khác được đặt ra chính là “nếu rơi vào những tình huống này, nạn nhân của bạo lực học đường cần làm gì để bảo vệ bản thân? Tìm cách trả thù hay im lặng chịu đựng?” Dù là một trong hai cách trên, người bị bắt nạt cũng không nên chọn lựa khi có thể nhờ đến sự trợ giúp của gia đình, nhà trường và xã hội để đưa ra giải pháp xử lí tối ưu không làm sự tổn thương thêm sâu sắc và cao trào. Bởi lẽ, nếu phản ứng bằng cách trả thù lại người ức hiếp thì chỉ góp phần làm đau khổ thêm leo thang cho cả hai phía.
(Tham gia trả lời câu hỏi tình huống giả định)
Thông qua những trao đổi trên, cô Nguyễn Phương luôn hy vọng sẽ mang đến cho đến cho các em cách nhìn nhận đúng về bạo lực học đường. Từ đó, các em có cho mình một tinh thần hòa nhã, thân thiện và cảm thông cho bạn bè vì nạn bạo lực học đường sẽ ngày càng được đẩy lùi nếu các em xây dựng một tình bạn đẹp ngay từ khi bắt đầu. Để kết thúc buổi giao lưu, cô Nguyễn Phương cùng các em chơi một trò chơi nhỏ nhằm thể hiện tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong tình bạn. Trên sân khấu sẽ có hai tờ giấy A4, hai cặp tham gia sẽ được yêu cầu làm bằng mọi cách để mỗi cặp có thể đứng trong từng tờ giấy mà không đặt chân ra ngoài. Nếu cặp nào trong thời gian ngắn vẫn cùng nhau đứng vững trên tờ giấy ấy, cặp đó sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
(Trò chơi nhỏ nhằm thể hiện tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong tình bạn)
Khép lại buổi chia sẻ chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực”, cô Nguyễn Phương vô cùng hạnh phúc và vui mừng khi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ. Hứa hẹn một ngày không xa, thầy cô tại Học viện METTASOUL sẽ quay trở lại với những chuyên đề dưới sân cờ thật thú vị và bổ ích dành cho các em. Chúc các em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ học tập tốt, xây dựng tình bạn đẹp và nói không với bạo lực học đường nhé!
Học viện METTASOUL chân thành cảm ơn BGH và Qúy thầy cô trường THPT Nguyễn Huệ đã đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất để chuyên đề được diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp!