“Đã bao lần chúng ta cảm thấy cô đơn và lạc lõng khi xung quanh biết bao bạn bè những tưởng như đạt rất nhiều thành tích trong học tập, công việc hay cuộc sống?”
Trong những năm gần đây, “áp lực đồng trang lứa” có lẽ là cụm từ không còn quá xa lạ với hầu hết mỗi chúng ta. Áp lực vô hình này có thể được bắt gặp ở mọi lứa tuối, từ trẻ em cho đến người lớn, đặc biệt đối với những bạn còn trong giai đoạn đến trường. Trước thành công của những người bạn đồng trang lứa, chúng ta bỗng chốc trở nên tự ti, mặc cảm và hoài nghi về năng lực của bản thân. Những suy nghĩ tưởng chừng như vô hại này lại trở thành con dao hai lưỡi vì có thể khiến chúng ta thường xuyên phủ nhận thành quả do mình tạo nên nếu không thể kiểm soát được dòng suy tư ấy. Và để giúp các em học sinh hiểu hơn về vấn đề này, Học viện METTASOUL cùng Trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn đã tổ chức chuyên đề “Áp lực đồng trang lứa” vào sáng thứ Hai đầu tuần vừa qua.
Tham dự chuyên đề dưới sân cờ là các em học sinh thuộc bốn khối lớp 9,10,11,12 của trường Nam Sài Gòn dưới sự đồng hành của cô Mỹ Linh – báo cáo viên, giáo viên giảng dạy Kỹ năng sống tại học viện METTASOUL. Với chuyên đề lần này, cô Mỹ Linh mang đến những chia sẻ thực tế về những dấu hiệu của một người đang gặp phải “áp lực đồng trang lứa” cũng như thay đổi suy nghĩ tích cực hơn để hạn chế rơi vào tình trạng đó thông qua các hoạt động và hình ảnh minh họa trực quan.
(Cô Mỹ Linh – báo cáo viên, giáo viên giảng dạy Kỹ năng sống tại học viện METTASOUL)
Áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Hiểu một cách đơn giản nhất, đó chính là cảm giác tự ti của bản thân khi không đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh. Khi tìm hiểu chính xác về khái niệm “áp lực đồng trang lứa”, các em sẽ không còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện đây có phải là vấn đề mình đang gặp phải hay không với sự hỗ trợ của cô Mỹ Linh.
(Các em học sinh tìm hiểu về khái niệm “áp lực đồng trang lứa” dưới sự dẫn dắt của cô Mỹ Linh cùng sự hỗ trợ của cô Kim Mãi và Cẩm Bình)
Không dừng lại ở đó, cô Mỹ Linh đã mang đến cho các em một khía cạnh khoa học mới nhằm giải thích kĩ lưỡng hơn về lí do vì sao “áp lực đồng trang lứa” lại xuất hiện thông qua “Tháp nhu cầu của Maslow”. Ở chiếc tháp này, khi các nhu cầu cơ bản nhất được đáp ứng, mỗi chúng ta sẽ bắt đầu một bước tiến xa hơn đó là mưu cầu về việc được kết nối, ghi nhận và khẳng định bản thân mình. Nhưng vì một số lí do nào đó như chịu ảnh hưởng từ định kiến xã hội, chịu ảnh hưởng từ lối sống tập thể hay từ mạng xã hội,…mà các em học sinh dễ gặp áp lực với bạn bè cùng trang lứa với mình.
(Khám phá “áp lực đồng trang lứa” qua Tháp nhu cầu của Maslow)
Tiếp nối nội dung chuyên đề, các em được khám phá ý nghĩa của việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình thông qua hình ảnh của những bông hoa và bình nước đổ màu. Cô Mỹ Linh đã tinh tế truyền tải thông điệp rằng bản thân mỗi chúng ta tương tự như một bình nước không màu, nếu ta “đổ” vào đó những suy nghĩ tiêu cực, tự khắc “bình nước” ấy khó có thể trở nên tươi sáng (tượng trưng cho màu đen). Ngược lại, nếu ta “đổ” vào đó những suy nghĩ tích cực, “bình nước” sẽ mang cho mình một màu sắc đẹp đẽ, lạc quan và tràn ngập niềm vui (tượng trưng cho màu hồng). Song song với đó, hình ảnh bình hoa nhiều loại khác nhau tượng trưng cho ý nghĩa mỗi người chúng ta là một cá thể riêng biệt và độc nhất. Vì vậy, việc ta cần làm là trở nên đẹp nhất, rực rỡ nhất theo cách của riêng ta mà không phải so sánh hay gồng mình trở thành một ai khác để vô tình đánh mất chính mình.
(Cô Mỹ Linh truyền tải thông điệp qua hai hình ảnh “bình nước đổi màu” và “các loại hoa”)
Thế nhưng, nếu đôi lúc không thể tránh khỏi những “áp lực đồng trang lứa”, các em cần học cách giúp bản thân kịp thời thoát ra hoặc nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, thầy cô, gia đình, tâm lý gia,…để “áp lực” trên không trở thành gánh nặng trong sinh hoạt hằng ngày của các em. Cũng như việc, nếu nhìn vào những viên pin, chúng ta sẽ khó có thể nhận biết pin còn hay đã hết. Chỉ có cách chủ động kiểm tra, ta mới biết được chúng còn sử dụng được hay không. Tương tự với các em cũng vậy, chỉ khi giãi bày khó khăn, tâm tư,…giấu kín trong lòng, các em sẽ mau chóng nhận được sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh. Vậy nên, đừng ngần ngại thổ lộ khó khăn của bản thân với những người mà các em tin tưởng nhất nhé!
(Lời động viên cô Mỹ Linh dành cho các em học sinh – “đừng ngần ngại thổ lộ khó khăn của bản thân với những người mà các em tin tưởng nhất nhé!”)
Khép lại chuyên đề, cô Mỹ Linh cũng như tập thể thầy cô tại học viện METTASOUL gửi gắm đến các em những lời động viên, khích lệ tuy nhỏ nhưng tràn ngập tình yêu thương qua những hình trái tim nhỏ xinh được gửi đến các bạn lớp trưởng đại diện của mỗi lớp. Những “đầu tàu” của lớp sẽ thay cô truyền năng lượng tích cực đến từng thành viên như cách các em tương trợ nhau tốt hơn mỗi ngày mà không phải gặp quá nhiều “áp lực đồng trang lứa”.
(Những trái tim nhỏ trao gửi yêu thương đến tất cả các em học sinh của trường Nam Sài Gòn)
Học viện METTASOUL xin chân thành cảm ơn BGH và Qúy thầy cô trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để chuyên đề ra sân diễn ra thành công tốt đẹp.