Ở một vài khía cạnh nào đó, cơn giận có thể đem lại lợi ích nhất định khi giúp bạn giải tỏa năng lượng tiêu cực. Tuy nhiên, cơn giận nhất thời sẽ trở thành gánh nặng hay sự phiền não về sau nếu ta không kiểm soát được cơn thịnh nộ trong lúc sự việc đang diễn ra. Cơn tức giận có khả năng chuyển hóa tốt lên hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cách ta thể hiện và đón nhận chúng. Vậy nên, để hạn chế rơi vào tình huống “giận quá mất khôn”, ta cần học cách trút bỏ cơn giận một cách bình tĩnh và an toàn hơn thay vì châm ngòi cho một cuộc bất hòa lớn hơn sắp xảy ra hay trút lên một ai khác. Thấu hiểu được điều đó, Học viện METTASOUL đã mang đến chuyên đề “Kỹ năng kiểm soát cơn giận” nhằm giúp các em sớm nhận diện, học cách ứng phó với cảm xúc tức giận của mình để bảo vệ bản thân và các mối quan hệ xung quanh.
Chào đón tập thể gồm mười thầy cô giảng dạy kỹ năng sống của học viện METTASOUL trong buổi chiều ngày 6/12/2022 là các em học sinh khối 11 của trường THPT Phong Phú. Dù tiết học bắt đầu vào khung thời gian khá oi bức nhưng năng lượng của các em không vì thế mà hạ nhiệt, các em luôn giữ cho mình một tâm thế sẵn sàng bắt đầu tiết học với những lời chào hỏi dành cho thầy cô vô cùng to rõ và dõng dạc.
(Từ trái sang: Cô Trường Thân, Cô Vân Anh, Cô Bích Duyên, Cô Lê Thảo, Cô Nguyễn Phương, Cô Trúc Vân, Cô Ngọc Anh, Thầy Trần Thiện, Thầy Anh Tài và Thầy Minh Tính)
Khởi động không khí đầu giờ, các em được tham gia vào các hoạt động làm nóng (warm-up) mà mỗi thầy cô đã thiết kế dành riêng cho các lớp, nhưng nhìn chung các trò chơi đều sẽ mang một ngụ ý về bài học mà thầy cô muốn gửi gắm đến các em. Để tăng tính tò mò và khơi dậy sự khám phá, các em được trải nghiệm thực tế với chai nước ngọt Coca Cola. Các em sẽ được yêu cầu lắc chai nước và mở ra ngay sau đó để quan sát phản ứng diễn ra như thế nào, kết quả có được chính là nước trong chai sẽ phun trào ngay khi mở. Nhờ vào cơ chế hoạt động tự nhiên của nước có ga, thầy cô muốn nhấn mạnh về cảm xúc của mỗi chúng ta nếu bị đè nén quá mức (tượng trưng cho sự tức giận, đau buồn,…) sẽ khó có thể kiềm lại mà tuôn trào thiếu kiểm soát. Đây là một trong những hoạt động “làm nóng” bên cạnh các hoạt động sáng tạo khác như chuyền vật đặt câu hỏi, nghe nhạc đoán tên bài hát,…
(Các em trải nghiệm thực tế cùng chai nước ngọt Coca Cola – lớp cô Vân Anh)
Kết thúc thời gian khởi động đầu giờ cũng là lúc các em bước vào giai đoạn tìm hiểu các kỹ năng kiểm soát cơn giận thông qua ba mục tiêu bài học sau đây:
- Hiểu về tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc
Người Nhật có câu “đừng hành động khi đang nóng giận”, bởi khi nóng giận ta sẽ vô thức bật ra những lời nói khó nghe hay những hành động làm tổn thương đối phương mà không kịp hay biết. Nhưng lời đã nói, việc đã làm dù cảm thấy có lỗi cũng khó có thể thu hồi. Vậy nên để tình trạng không diễn ra tồi tệ hơn, ta cần học cách kiểm soát tốt cảm xúc của mình.
Và để có thể truyền tải một cách gần gũi về chủ đề này, các thầy cô cho các em vẽ sơ đồ tư duy để phân tích về nguyên nhân, tác hại cũng như đúc kết về tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc. Không những thế, các em còn được tìm hiểu thông qua đặc tính của cơn giận được đại diện bởi các dạng hình học – tròn (cơn giận tan biến nhanh), vuông (cơn giận tan biến lâu hơn, tính theo ngày) và tam giác (cơn giận khó tha thứ vẫn còn tiếp diễn),….và đa dạng các hoạt động khác như diễn tả cảm xúc tức giận của bản thân bằng những hình vẽ bất kì hay kể những câu chuyện thực tế về việc các em đã từng tức giận với người nào đó,…
(Tìm hiểu đặc tính của cơn giận thông qua các hình tròn, vuông và tam giác – lớp thầy Trần Thiện)
(Sơ đồ tư duy trình bày về nguyên nhân, tác hại cũng như đúc kết về tầm quan trọng của việc kiểm soát cảm xúc – lớp cô Bích Duyên)
(Diễn tả cảm xúc tức giận của bản thân thông qua hình vẽ – lớp cô Nguyễn Phương)
- Kỹ năng chấp nhận sự đa dạng trong cuộc sống
Cơn giận dữ thường mang đến cho ta nhiều sự khó chịu hơn là điểm ta có thể dễ dàng nhìn vào và cho rằng chúng tích cực. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng, nếu cuộc sống này không có sự xuất hiện của những cơn giận, ta cũng sẽ thiếu đi tính phòng vệ trước sự nguy hiểm hoặc tính chiến đấu vì lẽ phải. Hơn hết, trạng thái giận dữ là bản năng tự nhiên nhất của con người bên cạnh niềm vui, nỗi buồn, sự hạnh phúc,…Vậy nên, thay vì né tránh, ta cần học cách chấp nhận sự đa dạng về mặt cảm xúc và cả sự đa dạng về những trải nghiệm trong cuộc sống – luôn sẽ có một lúc nào đó xuất hiện sự việc kích hoạt cơn thịnh nộ của ta.
Cũng giống như việc, nếu được yêu cầu phải viết lên giấy một nội dung nào đó nhưng lại không sử dụng tay mà phải dùng bút chì bị buộc bằng các sợi dây và điều khiển bởi nhiều người cùng một lúc thì ta có dễ nổi nóng không khi mãi vẫn chưa thực hiện được? Câu trả lời là không khi ta biết cách giữ bình tĩnh, kiên nhẫn và hợp tác tốt cùng các bạn còn lại trong nhóm!
(Hoạt động giữ bút viết bằng các sợi dây được buộc chặt lại với nhau – lớp thầy Anh Tài)
(Giáo viên hỗ trợ các em hoàn thành trò chơi giữ bút viết bằng các sợi dây được buộc cùng nhau – lớp cô Trường Thân)
(Hình vẽ mô phỏng người và vòng tròn trên bảng đại diện cho một quan điểm trong Tâm lý học – trong vòng tròn là những điều ta có thể kiểm soát, chủ động được. Ngược lại, ngoài vòng tròn là những sự vật, sự việc xa tầm với ta không thể kiểm soát được như suy nghĩ, thái độ,…và hành vi của người khác. Mỗi người đều khác nhau ở các yếu tố trên, đó là sự đa dạng. Thế nên, khi cơn tức giận ập tới, ta cần biết đón nhận cả những điều vượt khả năng cũng như kiểm soát những điều bản thân có khả năng giải quyết – lớp cô Lê Thảo)
- Rèn luyện kỹ năng kiểm soát cơn giận
Sau khi tìm hiểu sâu sắc về nguyên nhân, tác hại cũng như tầm quan trọng của kiểm soát cơn giận, các em sẽ bước sang nội dung tiếp theo liên quan đến việc thực hành, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để hạn chế tối đa cơn giận bùng nổ khó kiểm soát. Tiếp nối phần cuối của bài, thầy cô giới thiệu đến các em “Quy tắc 3 giây” gồm 3 giây dừng lại, 3 giây hít thở và 3 giây lí do. Đồng thời, các em còn được khuyến khích nêu lên quan điểm hoặc cách ứng phó phù hợp trước những tình huống thực tế khi cơn giận dữ xuất hiện. Tất cả các hoạt động đều được các em tham gia rất năng nổ và nhiệt tình.
(Giáo viên giải thích về “Quy tắc 3s” giữ bình tĩnh trước cơn giận dữ đang ập tới – lớp cô Trúc Vân)
(Các em nêu lên quan điểm và cách ứng phó phù hợp trước cơn giận với những tình huống thực tế được giáo viên đề ra – lớp thầy Minh Tính)
(Đúc kết thông điệp cuối cùng của bài học từ các tình huống thực tế – lớp cô Ngọc Anh)
Khép lại tiết học, các em sẽ tự đúc kết cho riêng mình những bài học sâu sắc dựa trên các gợi ý của thầy cô. Cơn tức giận không xấu, chúng còn mang lại một vài lợi ích khác cho chúng ta nhưng quan trọng hơn hết, cơn giận sẽ dần tan biến đi nếu ta bình tĩnh đón nhận lí do gây ra cảm xúc đó, dành thời gian suy nghĩ trước khi vội vàng hành động cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết. Thầy cô METTASOUL vô cùng vui mừng vì sự đón nhận nhiệt liệt của các em đối với chuyên đề tưởng chừng như đã cũ nhưng rất cần thiết đối với cuộc sống này. Hy vọng sau bài học này, các em sẽ tìm được cho mình những khoảng lặng yên bình hay góc nhìn tích cực hơn nếu phải đối diện với cơn giận dữ của mình. Hãy phát huy tốt sự hồn nhiên, vui tươi và chân thành như các em của hiện nhé!