GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG: CHÚNG TA ĐANG PHẤN ĐẤU VÌ ĐIỀU GÌ?

Mỗi một người trong chúng ta đều đang phấn đấu để có được cuộc sống mà chúng ta mong muốn và đôi khi sẵn sàng đánh đổi những thứ khác để đạt được chúng. Điều đó được hiểu rằng giá trị sống – mục tiêu hướng đến của mỗi người là khác nhau. Có người vui vẻ trên con đường mình chọn; có người lại gặp những khó khăn, thất bại hay thậm chí là hình thành khó khăn tâm lý khi cứ mãi vươn lấy những mong cầu vật chất như: tiền tài, địa vị, danh vọng, hoặc sự huyễn hoặc của việc thành công là phải hơn người khác. Ngày càng nhiều những trường hợp lừa gạt để chiếm đoạt tài sản, cũng không ít vấn nạn mua danh bán chức, lừa tình, lừa tiền,… Những điều đó có phải chăng phản ánh giá trị sống của bộ phận nhiều người đang bị mai một, động lực phấn đấu của họ đang có vấn đề. Và cảm thức cộng đồng (social interest) không hiện hữu trong họ hay sao? Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những điều đó, và khám phá ra những giá trị sống đích thực.

Theo Thuyết tâm lý học cá nhân của Adler, con người hình thành mục tiêu tối hậu (mục đích sống quan trọng nhất của mỗi người) từ rất sớm. Vì những khiếm khuyết về mặt thể chất và tinh thần từ đó hình thành nên những động năng để chúng ta nỗ lực phát triển bản thân nhằm bù đắp những thiếu sót thuở nhỏ. Một người có tuổi thơ nghèo khó, thì trong lý tưởng cuộc sống của họ sẽ cố gắng phấn đấu để trở nên giàu có, khá giả. Một người có sức khoẻ kém sẽ siêng năng rèn luyện, vực dậy sức mạnh của bản thân để mong cầu sự khỏe mạnh. Và cũng có những người thiếu hụt tình yêu thương, họ sẽ luôn cố gắng để sau này luôn yêu và được yêu. Tất cả đều rất đơn giản vì có thể hiểu rằng chúng ta thiếu gì thì chúng ta càng cần thứ đó. Nhưng bên cạnh những nỗ lực phát triển để theo đuổi mục tiêu đời mình mang tính lành mạnh, thì lại có những người đặt lợi ích của mình lên trên hết mọi người, có đôi khi là sự vượt trội qua việc giẫm đạp người khác.

Có không ít những vụ việc vì tiền mà sẵn sàng lừa gạt, dụ dỗ, có hành vi phạm pháp mang tính hình sự như buôn lậu, trộm cắp, giết người, gây hại cho cộng đồng. Tiền không chỉ là phương tiện mua hàng mà nó trở thành chủ nhân, và là lẽ sống mà mọi người bất chấp theo đuổi. Họ luôn không hài lòng với tài sản mình đang có, trong cuộc sống chẳng còn gì quan trọng ngoài tờ bạc nhỏ nhưng lại đầy quyền lực. Để khi mất tiền thì việc nghĩ quẩn và mất đi động lực sống là lẽ dĩ nhiên.

Hay có người lấy danh vọng là thước đo giá trị sống của mình. Họ cố gắng leo lên, bằng mọi giá nắm lấy được chức vị cao. Nhưng khả năng lại có hạn và khi chức vị bị tước đoạt, họ trở thành người trắng tay, chẳng còn giá trị gì. Lúc này đây liệu họ có được an yên hạnh phúc hay một loạt các vấn đề, khủng hoảng nảy sinh.

Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở, yêu và được yêu là điều tốt đẹp mà ai chắc hẳn cũng mong muốn. Thế nhưng, đáng buồn là trong chúng ta sẽ có những người vì quá thiếu thốn tình yêu và cảm giác được trân trọng mà luôn khát cầu điều đó một cách vô tội vạ. Họ dễ bị thu hút bởi những lời mật ngọt, những hành động quan tâm, dễ tin người. Hoặc còn có trường hợp thay đổi người yêu đến chóng mặt, quan hệ tình dục bừa bãi, họ không cảm thấy vui vẻ khi độc thân mà lao vào các cuộc yêu dù chóng vánh để có cảm giác được “yêu”, luôn thể hiện rằng mình là người có giá trị, có nhiều người theo đuổi, và có là bao nhiêu cũng chẳng bao giờ là đủ.

Nhìn vào những trường hợp điển hình trên để thấy giá trị sống thực sự quan trọng, và mục tiêu chúng ta đặt ra phải đảm bảo tính lành mạnh nhằm giúp ta thành công và luôn được sự cân bằng chứ không chỉ là sự vượt trội cô độc. Từ khoá mà Adler luôn nhấn mạnh đó chính là “Cảm thức cộng đồng” – sự quan tâm và đóng góp cho xã hội nhằm giúp cho mọi người kết nối, giúp đỡ và có được sự hạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Đó là bước đầu trong các giải pháp giúp chúng ta tìm thấy giá trị và mục tiêu sống tích cực.

  1. Thúc đẩy – tăng cường cảm thức xã hội

Theo Adler thì chúng ta không phấn đấu để hoàn thiện trong thế giới sa mạc riêng của mình. Ngược lại chúng ta phấn đấu trong bối cảnh liên đới với xã hội. Chính động cơ này đã tạo ra những hứng thú xã hội. Giống như những động vật có tính năng xã hội, chúng ta không thể tồn tại đơn độc.

Chúng ta cần xây dựng thái độ thấu cảm và kết nối với những người xung quanh. Sự giúp đỡ không vụ lợi, hợp tác vì tiến bộ chung của xã hội chứ không vì lợi ích cá nhân làm chúng ta cảm thấy hạnh phúc và bình an trong chính tâm hồn mình. Bên cạnh đó, mỗi người hãy lắng nghe cơ thể và khai phá những tiềm năng của chính bản thân mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ sống chung: xây dựng tình bạn (nhiệm vụ xã hội), thiết lập mối quan hệ thân mật/ tình dục (nhiệm vụ tình yêu – hôn nhân), và đóng góp cho xã hội (nhiệm vụ nghề nghiệp). Khi con người có cảm thức cộng đồng cùng với việc làm tốt các nhiệm vụ sống thì mục tiêu sống rõ ràng và giá trị của bản thân sẽ càng vững mạnh.

  1. Bỏ qua sự ám ảnh quá mức của quá khứ

Sự nản lòng và tự ti được hình thành từ trải nghiệm trong quá khứ. Chấp nhận việc mình từng vấp ngã, từng làm không tốt, từng thất bại, việc đối mặt trực tiếp với nó và không phán xét bản thân theo chiều hướng bi kịch hoá mọi vấn đề cho mình. Khi nhìn nhận mọi việc theo hướng khách quan, không quy kết thì chúng ta sẽ không bị ám ảnh và cố gắng đặt những mục tiêu bất khả thi; hoặc ngược lại là buông xuôi bản thân. Chúng ta bị điểm thấp môn Toán một lần không có nghĩa chúng ta kém cỏi; bạn gái khi bé từng thừa cân không có nghĩa bạn không xinh đẹp; bạn nam từng thua môn bóng đá trong kỳ thể thao ở trường không có nghĩa khi lớn bạn là kẻ yếu ớt,… Để quá khứ nâng bước chứ đừng để nó vùi dập chúng ta.

  1. Thay đổi lối sống

Lối sống chính là tổng hợp của: mục tiêu sống, hình ảnh về bản thân mình, cảm xúc/sự quan tâm tới người khác, và thái độ sống đối với thế giới. Có nhiều phong cách sống, mà lối sống lành mạnh/ hữu dụng được xem là lý tưởng để chúng ta đạt được. Như đã nhắc đến ở phần trên, chúng ta xây dựng cảm thức cộng đồng, giúp đỡ mọi người; chủ động phấn đấu để giải quyết 3 vấn đề căn bản: quan tâm đến người thân cận, tình yêu lành mạnh, phát triển trong nghề nghiệp. Sống không ích kỷ hưởng thụ, tránh né hay đàn áp mà cộng tác, can đảm, và cùng nhau đóng góp vì lợi ích chung.

Phía trên là những cách cơ bản để chúng ta tìm thấy mục tiêu và giá trị sống đích thực. Khi con người không hoàn thành tốt được những nhiệm vụ chung sống liên quan đến tình yêu, công việc và xã hội thì hệ luỵ dẫn đến là phát sinh nhiều vấn đề trong cuộc sống, mà nhất là khó khăn về tâm lý. Các chuyên gia Tâm lý METTASOUL đã tiếp nhận nhiều ca tham vấn nhằm hỗ trợ các vấn đề về các lĩnh vực về việc mất phương hướng trong cuộc sống, sự nản lòng khi giá trị sống bị đánh đổ hay thậm chí là không xác định được mục tiêu sống của mình là gì. Thấu hiểu những tâm lý đó, Học viện METTASOUL luôn thấu hiểu và chào đón các bạn bất kỳ khi nào bạn thấy mình đang trượt khỏi các giá trị, cần nơi giải bày, sẻ chia và hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng cùng bạn thiết lập mục tiêu, giải quyết vấn đề và tìm lại giá trị sống của bản thân mình.

Trương Dương Thuỳ Dương

TTS METTASOUL

 

Tài liệu tham khảo:

Gerald Corey (2016). Theory and practice of counseling and psychotherapy (10th ed). Cengage Learning

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *