TỰ NHẬN THỨC – KỸ NĂNG QUAN TRỌNG ĐỂ THẤU HIỂU VÀ CHẤP NHẬN BẢN THÂN

Với sự phát triển toàn cầu hóa như hiện nay, mỗi ngày chúng ta đều đang bận rộn, quay cuồng với công việc, học tập, chăm sóc gia đình,… đến nỗi ta bị cuốn vào vòng xoáy ấy mà quên dành ra thời gian để chiêm nghiệm về những gì mình đã làm được và không làm được. Để rồi đến một lúc nào đó khi bắt đầu kiệt sức, ta lại thấy bất định với cuộc sống này, thấy mình vô dụng hơn người khác, không có mục đích sống, không còn nguồn lực hỗ trợ,…Thế nhưng, ta không đơn độc trên hành trình ấy vì bất kì ai cũng đã từng một lần rơi vào giai đoạn khó khăn này.

Khi buộc phải đối mặt, trong chúng ta, có người sẽ chọn cách để thời gian xoa dịu và cũng có người chọn cách hành động để thoát khỏi nó. Bất kì sự cố gắng nào cũng đều được ghi nhận. Tuy nhiên, nếu mọi sự cố gắng đều chưa mang lại kết quả như mong muốn thì lúc ấy hãy nhớ rằng chính bản thân ta cũng là một nguồn lực vô cùng quan trọng và có ý nghĩa – tự nhận thức bản thân. Việc sở hữu kỹ năng “tự nhận thức” sẽ giúp ta lấy lại cân bằng cuộc sống. Ta học được cách cảm nhận rõ ràng về điểm mạnh, điểm yếu, tính cách, hệ thống niềm tin,…và động lực cá nhân. Điều đó đồng nghĩa với việc ta chủ động dành thời gian nhìn nhận lại mình một cách có ý thức, biết suy tư về những cảm xúc, về cách hành xử khi đối mặt với vấn đề để rồi ta nhận ra ta tuyệt vời hơn ta nghĩ. Ta hiểu được việc thấu hiểu và chấp nhận bản thân cũng là cách vỗ về tinh thần và yêu thương chính mình.

Khám phá về những khía cạnh cá nhân là một hành trình vô cùng thú vị và đáng trải nghiệm. Thế nhưng, nó cũng sẽ gây nên một chút bối rối nếu trước đó ta không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Vì lẽ đó, dưới đây là một số gợi ý ta có thể thực hiện để tự nhận thức bản thân tốt hơn:

  1. Trải lòng qua các con chữ

Mỗi khi gặp muộn phiền, buồn lo hay căng thẳng, chúng ta thường được khuyến khích chia sẻ khó khăn đó với người mà ta tin tưởng để sau những lần trò chuyện và được thấu hiểu sẽ thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải khó khăn nào ta cũng có thể chia sẻ, luôn có những chuyện ta không thể hoặc không muốn kể với bất cứ ai. Những lúc như thế, “các con chữ” là nơi thích hợp để tạm thời trút bỏ gánh nặng. Đồng thời, khi trải lòng mọi thứ bằng cách tự tay viết ra ta sẽ có cơ hội nhìn nhận lại những gì đã trải qua và nhận ra bản thân đã như thế nào trong sự kiện, tình huống ấy.

Những lúc viết không cần phải trau chuốt, hoa mỹ, cảm xúc đang như thế nào sẽ bày tỏ như thế ấy, không gò bó bản thân hay theo một quy tắc nhất định. Theo thời gian, việc duy trì thói quen “trải lòng qua các con chữ” sẽ giúp ta thấy được sức mạnh của chúng đối với sức khỏe tinh thần là như thế nào.

  1. Trở thành một người biết lắng nghe chủ động

Lắng nghe chủ động là kỹ năng lắng nghe với sự tham gia có ý thức của tất cả các giác quan. Khi lắng nghe một ai đó trình bày, ta hoàn toàn tập trung cảm xúc và tâm trí của mình vào lời họ nói để không chỉ nghe mà còn hiểu thông điệp được truyền tải, đặt mình câu chuyện của người khác để thấu hiểu và đồng cảm. Không dừng lại ở đó, học được cách “đặt mình vào câu chuyện của người khác” cũng là cách hỗ trợ ta tự nhận thức bản thân tốt hơn, ta từng bước khám phá ra được những nét tính cách hay hệ thống niềm tin mới. Có thể sự mới mẻ đó bao gồm cả điều chưa được hoàn thiện nhưng ta cũng chấp nhận nó như một phần của ta.

  1. Khám phá những “điểm mù” của bản thân bằng cách hỏi phản hồi nhận xét

Mỗi người trong chúng ta đều có những “điểm mù” riêng biệt mà chính ta không thể thấy hay ý thức được, trong khi ấy chỉ có những người xung quanh nhận ra. Diễn giải một cách thực tế và dễ hiểu hơn, “điểm mù” của chúng ta thường xuất hiện ở việc một số khía cạnh trong tính cách hay nhận thức mà hoàn toàn không bao giờ được phát hiện ra bởi ta hiếm khi nào quan tâm đến việc tự khám phá bản thân mình.

Ví dụ như lâu nay ta không biết mình sở hữu sự ấm áp, tỉ mỉ cho đến khi mọi người nhận xét và nói ra điều đó. Cách duy nhất để ta biết về “điểm mù” của mình là hỏi những người trong mối quan hệ của ta. “Điểm mù” bao gồm cả tích cực và tiêu cực, vậy nên, ta đón nhận tích cực bằng sự hạnh phúc và tiêu cực bằng sự chân thành. Bởi lẽ, nhờ những phản hồi của mọi người mà ta có thêm chất liệu để nhận thức về bản thân mình càng chính xác và trọn vẹn hơn.

  1. Luyện tập thói quen đọc sách

Sách luôn được biết đến như một kho báu quý giá của con người. Khi đọc mỗi thể loại sách khác nhau, ta sẽ tìm thấy một khía cạnh khác của con người mình trong đó. Thông thường, một tình tiết bất kì trong sách sẽ mang lại cho ta cảm giác quen thuộc, ta ngẫm nghĩ về cảm giác ấy và đến một lúc phát hiện ra rằng chính ta đang sở hữu tính cách, suy nghĩ, cảm xúc,….nào đó mà trước nay bị lãng quên. Hơn hết, giá trị mà sách mang lại là vô cùng lâu dài. Cùng một quyển sách ở mỗi thời điểm khác nhau, khi đọc lại ta sẽ có những thay đổi trong cách nhìn nhận. Nhờ vậy, ta có thể “đo lường” được sự trưởng thành của mình thông qua việc đọc sách.

  1. Thực hành Chánh niệm

Chánh niệm được giải thích theo một cách dễ hiểu là phương pháp quan sát những gì đang diễn ra trong tâm trí, cơ thể và môi trường xung quanh bằng tất cả sự tập trung và quan trọng hơn hết là chấp nhận. Ta cần tập trung cao độ và chậm rãi cảm nhận mọi sự thay đổi trong cơ thể hay cảm xúc, không kháng cực hay trốn chạy bất cứ điều gì gây ra khó chịu. Kết quả mà bạn nhận được từ việc thực hành Chánh niệm chính là học được cách thấu hiểu và đồng cảm với bản thân để từ đó bạn sẽ thoải mái, vui vẻ khắc phục điểm chưa tốt và phát huy những điểm tốt của mình.

Bên cạnh những gợi ý trên, chúng ta cũng nên gìn giữ thói quen thường xuyên khám phá bản thân mình thông qua việc đúc kết kinh nghiệm từ những việc đã làm, những bài đã học, những điều đã nghe hoặc chứng kiến để hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu cá nhân. Hơn bao giờ hết, để hạn chế tình trạng muốn thay đổi nhưng không biết bắt đầu từ đâu, chúng ta cần lên một kế hoạch. Lập kế hoạch cũng cần có phương pháp và PDCA (Plan – Do – Check – Act) được các chuyên gia đánh giá cao trong việc áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. PDCA là một chu trình “Lên kế hoạch – Thực hiện – Kiểm Tra – Hành động” nhằm hỗ trợ kiểm soát và đánh giá hiệu quả của kế hoạch bản thân nào đó được đặt ra.

Hành trình khám phá bản thân chưa bao giờ là dễ dàng, kỹ năng “tự nhận thức” bản thân chỉ là một trong những kỹ năng hỗ trợ chúng  ta trở nên tốt hơn mỗi ngày, bên cạnh những kỹ năng và yếu tố khác. Mọi sự cố gắng và nỗ lực đều được ghi nhận, nhưng khi khó khăn vượt quá tầm kiểm soát, chính bạn hoàn toàn có thể nhờ đến sự trợ giúp chuyên nghiệp từ các chuyên gia tham vấn tâm lý. Bằng khả năng chuyên môn đáng tin cậy trong lĩnh vực hỗ trợ tham vấn tâm lý, Các chuyên gia của Học viện METTASOUL luôn  ấm áp chào đón bạn với sự chuyên nghiệp và an toàn nhất.

Lê Uyên Đăng Vy

TTS METTASOUL