BÌNH ỔN TÂM LÝ VÀ CHĂM SÓC BẢN THÂN MÙA DỊCH

Tác giả: Chuyên viên tâm lý học đường Lỡ Hữu Trọng

  • Chuyên viên tâm lý học đường SUNNYCARE
  • Giáo viên Kỹ năng sống SUNNYCARE

Hiện nay, chúng ta đang sống trong giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch Covid – 19 kéo dài. Dịch bệnh làm gián đoạn cuộc sống thường nhật trước kia, con người phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt và hạn chế tối đa việc ra đường, các hoạt động xã hội đều bị đình trệ làm ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế. Hoạt động học tập của các em học sinh cũng chuyển sang hình thức trực tuyến và gián tiếp tương tác xã hội với mọi người.

Điều này đã gây nên những tác động không hề nhỏ đến đời sống của tất cả mọi người, đặc biệt là những thay đổi và biến động trong tâm lý của mỗi cá nhân. Covid – 19 là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người với khả năng lây lan nhanh chóng và nguy hiểm, rất nhiều người đã phải thiệt mạng vì căn bệnh quái ác này. Do đó, sự kéo dài của dịch bệnh đã làm dấy lên nỗi sợ hãi – lo lắng của mỗi người với những mất mát cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, dịch bệnh làm cho nhiều người phải lâm vào tình cảnh thất nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế bản thân và gia đình, đồng thời phải thực hiện giãn cách xã hội với thời gian dư dả mà không biết làm gì gây nên tâm lý căng thẳng – bức bối. Hơn thế nữa, trong giai đoạn này, nhu cầu giao tiếp xã hội không được thỏa mãn, thiếu kết nối dẫn đển sự cô đơn cho nhiều người trong chúng ta.

Đa số chúng ta khi sống trong tâm điểm của đại dịch Covid – 19 đều mang theo những nỗi sợ hãi và lo lắng. Những cảm nhận này có chức năng cảnh báo giúp chúng ta thận trọng, cân nhắc và biết bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu cứ mang trong mình những nỗi sợ hãi và lo lắng này kéo dài mà không được giải quyết ổn thỏa sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý như khiến con người trở nên thụ động, căng thẳng thần kinh, thậm chí gây nên những rối loạn tâm bệnh như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Khi hoàn cảnh thay đổi, con người cần thay đổi về suy nghĩ, cảm xúc, hành động để có thể vững vàng trước những biến cố không mong muốn.

Trước những tác động của dịch bệnh đến đời sống tinh thần, vậy các em học sinh cần chuẩn bị những gì để có thể ổn định tâm lý và xây dựng tinh thần lành mạnh ứng phó trước đại dịch? Dưới dây là một vài gợi ý của tôi.

Giữ gìn rèn luyện sức khỏe

Sức khỏe thể lý chính là nền tảng cho sức khỏe tinh thần. Như chúng ta đã biết “Rất khó để có một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể yếu nhược”. Do đó, để xây dựng tinh thần lành mạnh ứng phó trước đại dịch, các em học sinh cần phải giữ gìn và rèn luyện sức khỏe bản thân đúng cách, bảo vệ sự an toàn cho chính mình và người thân thông qua việc tuân thủ các chỉ thị của các cơ quan y tế và cơ quan thẩm quyền về phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, các quy tắc 5K khi tiếp xúc để phòng tránh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để bồi dưỡng cho cơ thể luôn khỏe khoắn trong mùa dịch, chúng ta cần phải ăn uống điều độ, đủ chất, ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nhiều nước… và thiết lập kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, rèn luyện thể dục thể thao thường xuyên để có một sức khỏe tốt làm tiền đề cho việc xây dựng tinh thần lành mạnh.

Sử dụng thời gian hữu ích

Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, các em học sinh sẽ có rất nhiều thời gian trống và rảnh rỗi do hạn chế bớt các hoạt động xã hội và chuyển các hoạt động học tập, vui chơi sang hình thức online. Do đó, hãy tận dụng khoảng thời gian này một cách hữu ích để thiết lập mục tiêu và xây dựng kế hoạch học tập rõ ràng cho bản thân. Có như vậy các em mới không bị mất phương hướng và cảm thấy hài lòng với bản thân mà sản sinh ra những cảm xúc tích cực.

Việc sử dụng hữu hiệu những khoảng thời gian trống cũng giúp các em tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng và những thói quen không phù hợp để tập trung phát triển bản thân tốt hơn.

Động viên chính mình và người thân

Dịch bệnh với những yếu tố khó lường có thể dễ dàng nảy sinh ra những cảm xúc tiêu cực, do đó các em học sinh hãy thường xuyên tự động viên chính mình và người thân thông qua các hình thức giao tiếp trực tiếp và gián tiếp. Với sự động viên, quan tâm, chia sẻ lẫn nhau chúng ta có thể cải thiện sức khỏe tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống để vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tìm kiếm điều tích cực với tinh thần biết ơn

Mặc dù chúng ta đang sống trong một giai đoạn khó khăn tạm thời nhưng các em học sinh hãy tập trung tìm kiếm những điều tích cực xung quanh mình để thực hành việc biết ơn trong cuộc sống. Đó không phải là điều gì quá xa vời, sự biết ơn vì chúng ta vẫn còn khỏe mạnh và bình an trong giai đoạn này, biết ơn vì mỗi ngày chúng ta vẫn có những người thân yêu bên cạnh, biết ơn những sự nâng đỡ, sẻ chia của các mạnh thường quân, các nhà tài trợ, những vất vả, khó nhọc của các chiến sĩ trong tuyến đầu chống dịch để chúng ta được an toàn trong chính căn nhà của mình.

Xây dựng thái độ tích cực và thực hành sự tri ân trong đời sống sẽ giúp sức khỏe tinh thần của chúng ta được cải thiện một cách tốt nhất.

Khi mỗi cá nhân có sự cam kết và ý thức chủ động thực hành rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân thì sẽ có thể bình ổn cảm xúc và xây dựng chất lượng cuộc sống lành mạnh, tích cực.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *