CHA MẸ CHUYỂN HÓA CHÍNH MÌNH TRONG HÀNH TRÌNH NUÔI DẠY CON

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng: “Bé còn quá nhỏ để hiểu một hành động là đúng hay sai”. Trên thực tế, Gs.Bs Gardner, ĐH Oxford, Anh Quốc nhận định: các bé từ 6 tháng tuổi có thể bắt đầu học hành vi cho đến hầu hết các bé trước 5 tuổi đều bắt chước, nắm bắt thành thạo hành vi của cha mẹ và có thể hiểu được hành vi tốt hay xấu nếu được dạy đúng cách. Gs.Bs Gardner nhấn mạnh rằng: việc giáo dục hành vi trước 5 tuổi là một điều quan trọng vì một số hành vi nền tảng trong tính cách bé sẽ được hình thành, phụ thuộc vào mức độ tình huống diễn ra, và tính cách này sẽ tồn tại đến khi bé trưởng thành. Để giáo dục định hướng hành vi cho con, cha mẹ cần chuyển hóa hành vi của chính mình. Để hiểu hơn về điều này, METTASOUL chia sẻ đến phụ huynh: HAI YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI CỦA BÉ TRƯỚC 5 TUỔI.

YẾU TỐ 1: Hành vi của cha mẹ (hoặc người chăm sóc).

Mọi hành vi xấu hoặc tốt của cha mẹ (người chăm sóc bé) sẽ được bé tiếp thu không chọn lọc và bắt chước cực kì chính xác. Ngay cả những hành vi thường ngày, cách sống, cách giao tiếp của những người thường xuyên gần gũi bé sẽ là môi trường để bé tiếp thu vô điều kiện, không chọn lọc và thấm hút như bọt biển.

Thời điểm học hỏi nhanh là khi bé bước qua 10 tháng tuổi. Bé có thể nhìn vào nét mặt (mắt và chân mày) để đoán hành vi của cha mẹ.

YẾU TỐ 2: Cách xử lý tình huống của cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Bé cũng dễ dàng hiểu được biểu hiện hành vi của cha mẹ với tình huống. Thông qua cách cha mẹ giải quyết các tình huống, bé học cách xử lý tình huống đó theo cách cha mẹ đã làm trước đó. 

Để phụ huynh hiểu hơn hai yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của bé, METTASOUL đưa ra 2 tình huống hành vi thường gặp và đề xuất hướng xử lý như sau:

Tình huống 1: Liên quan đến phát triển hành vi nhận thức

Hành vi rất quan trọng đến việc hình thành tính cách của bé. Ví dụ trong trường hợp bé đòi nhiều lần 1 món đồ. Cha mẹ nhận thấy món đồ đó là không thể đáp ứng cho cho bé và lựa chọn nói “không với bé”, tuy nhiên bé vẫn tiếp tục đòi, thậm chí khóc to hoặc lăn ra ăn vạ, đập đầu xuống đất.

CÁCH XỬ LÝ THÔNG THƯỜNG: Cha mẹ ban đầu nói không đồng ý, nhưng nếu bé khóc to, ăn vạ hoặc đập đầu xuống đất, cha mẹ bắt đầu lo lắng cho sự an toàn của con. Để giải quyết tình huống này, cha mẹ dù không muốn vẫn lấy món đồ đó cho bé để bé dừng lại hành vi ăn vạ. Tuy nhiên, chính việc không dứt khoát trong lời nói và hành động, nên vô tình cha mẹ để con nhận ra việc cha mẹ nói KHÔNG chỉ là tạm thời. Việc khóc lóc, ăn vạ, hoặc thậm chí đập đầu xuống đất sẽ là vũ khí lợi hại để cha mẹ nói ĐƯỢC. Tiên lượng cho hành vi tương ứng xảy ra trong tương lai có thể bé có thể sẽ gia tăng mức độ ăn vạ để đạt được điều bé muốn. Vậy, cha mẹ nên làm gì để xử lý tình huống này?

ĐỀ XUẤT HƯỚNG GIẢI QUYẾT:

Thứ 1, LỜI NÓI VÀ HÀNH ĐỘNG CẦN THỐNG NHẤT VỚI NHAU.

Khi cha mẹ đã quyết định nói “KHÔNG VỚI BÉ”, thì dứt khoát hãy để món đồ ra khỏi tầm mắt bé. Bên cạnh đó, khuôn mặt, ánh mắt cha mẹ cần thể hiện sự nghiêm túc, lưu ý đừng quát tháo, la mắng bé. Điều này làm bé hiểu lời nói của cha mẹ phù hợp với hành vi dứt khoát.

Thứ 2, HÀNH VI BÉ THAY ĐỔI THEO HÀNH VI CỦA CHA MẸ.

Khi thấy cha mẹ không đồng ý, diễn tiến tâm lý tự nhiên khi không được đáp ứng nhu cầu nên bé sẽ khóc hoặc ăn vạ sau đó. Và tất nhiên trong lúc khóc, bé sẽ theo dõi hành vi của che mẹ để kiểm tra việc khóc hay ăn vạ có hiệu quả trong việc giúp bé đạt mục tiêu hay không. Vì thế, việc cha mẹ cần làm là hiểu cho con, tôn trọng mong muốn của con nhưng cũng không quên giải thích cho con hiểu lý do vì sao cha mẹ lại từ chối việc đó. Đừng quát mắng hay dán nhãn là con hư, đừng cố dùng bạo lực để ép con nín khóc. Bởi như vậy, con sẽ không học được hành vi đúng để xử lý cho những lần tiếp theo.

Khi bé khóc và ăn vạ, cha mẹ hãy bình tĩnh, theo dõi sự an toàn và thể hiện sự dứt khoát qua lời nói cũng như hành động. Điều này giúp bé nhận thức được sự cương quyết và hành vi khóc vòi vĩnh vẫn sẽ không được đáp ứng. Cha mẹ có thể ôm con vào lòng, thể hiện việc hiểu mong muốn của con bằng lời nói: “Cha mẹ biết là con rất thích món đồ đó, thế nhưng …”, hãy giải thích cho con hiểu lý do vì sao cha mẹ không nhận lời và hướng con đến một hoạt động mới. Nếu con vẫn kiên quyết đòi, cha mẹ hãy thông báo và cho bé thời gian để bé chấp nhận. Ngoài ra, cũng có thể thương lượng với con hoặc để con tự đưa ra giải pháp. Nếu đề xuất của con là hợp lý, cha mẹ có thể nhận lời. Điều quan trọng nhất ở đây chính là thái độ bình tĩnh, tâm an, nhẹ nhàng nhưng lại dứt khoát, nghiêm túc của cha mẹ. Đó sẽ là bài học cảm xúc vô cùng bổ ích cho con.

Tình huống 2: Liên quan đến tính tự chủ và chịu trách nhiệm

Các bé thiếu tính tự chủ và chịu trách nhiệm thường nhút nhát khi lớn lên, vỏ não cũng ít phát triển hơn vì thiếu sự phân tích. SUNNYCARE đưa ra ví dụ về trường hợp khi bé chạy bị ngã hoặc đụng trúng đồ vật nào bị té (mặc dù chỉ là ngã bình thường không có thương tích nghiêm trọng), bé khóc, và tiếng khóc bắt đầu lớn hơn khi thấy cha mẹ gần đó.

CÁCH XỬ LÝ THÔNG THƯỜNG: Cha mẹ ngay lập tức bế bé dậy và “đánh trừ” vào vật dụng làm bé ngã và nói rằng “mẹ đánh cái ghế này, cái ghế hư quá làm con mẹ ngã, đánh cái ghế này…” Có thể sau đó, bé sẽ nín khóc nhanh. Tuy nhiên, theo Gs. Kelly, chuyên gia phân tích não bộ Baby Center, Mỹ chia sẻ: Việc xử lý như đánh trừ vào một vật nào đó ở trên là một cách đổ lỗi (ở đây là cái ghế), khi bé bị vậy lần 2, bé có thể sẽ lại khóc và đợi bạn đến bênh vực bé, bé nghĩ rằng vì cái ghế làm bé ngã chứ không phải do sự bất cẩn của mình. Đừng nghĩ xử lý hành vi này là vô hại, đó là cách dạy cho bé hành vi thiếu tự tin trong tình huống của cuộc sống.

ĐỀ XUẤT HƯỚNG GIẢI QUYẾT: Các bé trước 5 tuổi cần sự khuyến khích yêu thương của cha mẹ để đối phó với nhiều tình huống khác nhau trước 5 tuổi, nhưng không phải ở dạng là bé luôn được bảo vệ. Trước tình huống này, cha mẹ làm gì?

Thứ 1, Cha mẹ hãy đến bên bé khi bé ngã, nhưng cho bé thời gian để tự đứng dậy, dùng lời nói khuyến khích bé đứng hoặc ngồi dậy. Nếu bé vẫn không ngồi dậy thì cha mẹ hãy thông báo sẽ đến hỗ trợ đỡ bé dậy, cố để bé dùng lực bản thân để ngồi dậy.

Thứ 2, Khi bé ngồi dậy, bé thường chỉ vào vật dụng làm bé ngã hoặc khóc lớn hơn. Lúc này, che mẹ có thể hỏi bé đang cảm thấy thế nào khi bị ngã. Nếu bé khóc, hãy tôn trọng cảm xúc đó của bé. Đừng quát lớn và bắt bé dừng khóc. Thay vào đó hãy xoa dịu và ghi nhận cảm xúc của con, có thể ôm con. Khi bé dừng khóc, cha mẹ dẫn bé đến bên cái ghế và nói với bé với khuôn mặt nghiêm túc: lần sau con đi/chạy nhớ chú ý đến cái ghế nằm đây nhé, nếu không cẩn thận, con lại bị ngã đau nữa”.

Làm tốt 2 điều này, bé sẽ học được hành vi tự điều chỉnh cảm xúc cho bản thân của bé. Bên cạnh đó, cũng biết bản thân cần phải làm gì khi gặp những tình huống tương tự. Hạn chế việc bé đổ lỗi cho những thứ xung quanh và tìm kiếm người bênh vực mình.

METTASOUL tin rằng, với tình yêu thương tuyệt vời từ phụ huynh, con sẽ được nâng đỡ trên bước đường thành nhân. METTASOUL cũng hiểu rằng, hành trình nuôi dạy con cái là con đường dài, sẽ có những lúc cha mẹ bối rối với các tình huống xảy ra. Bất cứ khi nào phụ huynh cần trợ giúp, METTASOUL luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng hành.

HỌC VIỆN METTASOUL

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *