BÍ QUYẾT GIÚP BẠN THUYẾT TRÌNH TỰ TIN TRƯỚC ĐÁM ĐÔNG (Phần 2)

3) CHUẨN BỊ TỐT NỘI DUNG CẦN TRÌNH BÀY

Khi bạn nấu ăn, bạn cần có nguyên liệu. Khi bạn trình bày trước đám đông, bạn cũng cần có sự chuẩn bị. Bao giờ cũng vậy khâu chuẩn bị thường tốn nhiều thời gian nhất, vì chuẩn bị kỹ càng, tỉ lệ thành công sẽ càng lớn.

     a) Phân tích các yếu tố liên quan đến buổi thuyết trình

Bạn cần tập trung thời gian để trả lời nhanh các câu hỏi theo 5W1H, điều này sẽ giúp bạn định hình rõ ràng hơn cấu trúc trình bày bài thuyết trình của mình.

WHAT: Bạn sẽ thuyết trình về chủ đề nào? Thông điệp truyền tải là gì?

WHY: Mục đích của buổi thuyết trình này là gì? Vì sao bạn lại chọn chủ đề này cho phần thuyết trình? Tại sao họ phải nghe bài thuyết trình của bạn, họ được cái gì khi nghe bạn nói?

WHO: Đối tượng lắng nghe buổi thuyết trình là ai? Họ tầm bao nhiêu tuổi? Họ tầm bao nhiêu người? Họ có sở thích gì? Họ thuộc đối tượng nào, trình độ của họ như thế nào? Khi gặp các vấn đề về kĩ thuật, âm thanh, ánh sáng thì cần liên hệ với ai?

WHERE: Địa điểm sẽ diễn ra buổi thuyết trình là ở đâu? Đường di chuyển sẽ ra sao? Mất bao nhiêu thời gian cho việc di chuyển? Sân khấu thuyết trình như thế nào? Cách di chuyển trên sân khấu khi thuyết trình sẽ ra sao? Có thể sắp xếp đến địa điểm thuyết trình luyện tập trước được hay không?

WHEN: Khi nào thì buổi thuyết trình sẽ diễn ra? Mình cần có mặt ở địa điểm đó lúc mấy giờ? Buổi thuyết trình sẽ diễn ra trong bao lâu? Thời lượng cho từng phần của bài thuyết trình là bao lâu?

HOW: Đây là một câu hỏi khá là quan trọng, sự thành công của buổi thuyết trình phụ thuộc rất nhiều vào câu hỏi này. Bạn sẽ truyền tải thông điệp đó đến người nghe như thế nào là tốt nhất? Phương thức nhấn mạnh những nội dung quan trọng trong bài thuyết trình là gì? Có cần sử dụng Power point, Video, hình ảnh, câu chuyện hay trò chơi hay không? Có sử dụng tài liệu, học liệu nào không? Nếu có sử dụng thì nên làm cách nào để triển khai nhanh chóng, hiệu quả?

     b) Xây dựng hoàn thiện cấu trúc trình bày bài thuyết trình

Bạn cần xây dựng dàn bài‎ cho buổi thuyết trình 1 cách logic nhất với đầy đủ 3 phần: Giới thiệu, mở đầu; nội dung chính và kết luận. Có thể nói, xây dựng hoàn thiện cấu trúc trình bày bài thuyết trình gần tương tự như việc giáo viên xây dựng giáo án khi lên lớp. Hãy bắt tay vào tìm kiếm và tham khảo tài liệu khoa học, chuẩn xác. Tiếp tục lên ý tưởng, phân tích, liệt kê các ý chính, ý phụ và sắp xếp theo trình tự ưu tiên. Bạn cũng nên lưu ý rằng:

Mở bài: Chính là cách bạn thu hút sự chú ý của khán giả, đây là nội dung cực kì quan trọng. Bạn có thể gây ấn tượng ban đầu cho khán giả hay không chính là ở đây. Hãy tạo sự tò mò, hứng thú, phấn khởi để người nghe sẵn sàng dành thời gian tập trung lắng nghe bạn chia sẻ. Bạn hãy thử tham khảo một số cách phổ biến mà SUNNYCARE gợi ý sau:

– Dùng ví dụ, hình ảnh, video minh họa.

– Kể một mẩu chuyện có liên quan đến chủ đề.

– Số liệu thống kê, câu hỏi hoặc trích dẫn giúp ta có thế thu hút được sự chú ý của người nghe.

– Dùng các câu hoặc tình huống gây sốc. Ta có thể đưa ra các câu nói hoặc tình huống ngược lại với vấn đề khán giả đang quan tâm để gây sự chú ý.

– Tạo ra một tình huống đặc biệt hoặc tạo ra một thử thách cho khán giả

–  Thu hút sự chú ý của khán giả bằng hoạt cảnh, hiện trường.

– Để khán giả tham gia gameshow, trò chơi thú vị…

Tiếp đến, bạn cần cho người nghe biết mục đích của bài thuyết trình là gì, họ sẽ nhận được gì từ đó, khái quát những nội dung chính cũng như lịch trình. Điều này giúp khán giả có định hướng từ trước để nắm bắt từng nội dung của bài thuyết trình.

Thân bài: Đây là phần truyền đạt nội dung, bạn hãy sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: nội dung nào bắt buộc cần truyền tải, nào dung nào cần chia sẻ trước, nội dung nào cần được sắp xếp sau, các ý tưởng phụ nếu còn dư thời gian. Hãy linh hoạt xen kẽ các hoạt động tĩnh – lặng để khán giả tập trung. Tránh đưa quá nhiều nội dung, để khán giả phải nghe quá nhiều, điều này có thể gây phản ứng ngược làm khán giả mệt mỏi, rối trí, không nhớ được nội dung trọng tâm.

Kết bài: Phần này là tóm tắt lại nội dung trọng tâm bạn đã trình bày. Hay nói cách khác, đây là lúc bạn truyền tải thông điệp đến khán giả. Trong phần này bạn có thể dùng một số động từ mạnh để hô khẩu hiệu: Quyết tâm, Sẵn sàng… hoặc có thể kêu gọi sự cam kết bằng hành động cụ thể như vỗ tay, giơ tay biểu quyết hoặc thực hiện ngay.

     c) Luyện tập trước khi thuyết trình chính thức

Bước 1: SUNNYCARE khuyến khích bạn hãy thử viết lại những gì bạn sẽ nói ra giấy. Lần này, không phải là viết ý chính mà hãy viết lại toàn bộ những gì bạn dự định nói. Việc này giúp bạn định hình được thực tế khi bạn nói, bạn sẽ gặp khó khăn nào, câu từ nào cần trao chuốt, chỗ nào cần lên giọng, xuống giọng.

Bước 2: Lần này hãy luyện tập trước gương, bạn có thể ghi âm hoặc quay video để nghe lại. Hãy đóng vai khán giả và kiểm tra lại xem cách chia sẻ của mình như vậy đã đủ thu hút chưa, cần chỉnh sửa nội dung nào nữa hay không.

Bước 3: Để hiệu quả cao hơn nữa cho phần luyện tập, bạn nên thử thuyết trình trước một vài người hoặc một nhóm bạn, hỏi ý kiến mọi người và lắng nghe tích cực những góp ý, từ đó rút kinh nghiệm cho mình.

4) NGÔN NGỮ HÌNH THỂ LÀ VŨ KHÍ VÔ CÙNG LỢI HẠI

Sự thật là dù bạn có chuẩn bị nội dung thuyết trình hay đến đâu, nhưng bạn chỉ đứng im như bức tượng khi trình bày, thì bạn khó mà thành công được. Sử dụng ngôn ngữ hình thể thông qua hành vi, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt… sẽ giúp phần thuyết trình của bạn đạt chất lượng về mặt ngôn từ. SUNNYCARE chia sẻ đến các bạn một số nội dung liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ hình thể hiệu quả trong thuyết trình.

     a) Ngôn ngữ hình thể trong thuyết trình qua “Ánh Mắt”

Đôi mắt được xem là cửa sổ tâm hồn, yếu tố bộc lộ cảm xúc của con người, gắn kết con người với nhau. Ánh mắt đi kèm lời chia sẻ sẽ làm cho câu nói truyền cảm hơn, tự tin hơn, thuyết phục hơn. Do đó, khi thuyết trình, bạn cần dúng ánh mắt bao quát toàn bộ khán giả. Ánh mắt của bạn lúc này sẽ giống như một chiếc máy quét, lần lượt tương tác mắt với từng nhóm khán giả mà không bỏ quên ai. Bạn có thể nhìn từ 2 – 3 giây rồi chuyển ánh mắt qua đối tượng khác. Như vậy, bạn mới có thể tương tác được nhiều khán giả hơn.

Một số cách quét ánh mắt trong thuyết trình:

– Nhìn theo hình vòng cung: Hãy thử quét mắt từ phải sang trái, từ trước ra sau. Nhớ rằng bạn không cần vội vàng, hãy cứ thoải mái giao tiếp mắt với khán giả.  

– Cách nhìn điểm: Ánh mắt chăm chú quan sát một người, có thể là người đang chăm chú lắng nghe, người tích cực phát biểu hoặc người mà bạn cảm thấy dễ chịu khi nhìn vào. Bạn cũng có thể để ánh mắt hướng vào một nhóm khán giả. Nhìn vào nhóm khán giả ở hướng thẳng chính diện, rồi sau đó chuyển sang nhóm bên trái, phải. Lưu ý rằng, không nhìn điểm quá lâu, khi một người bị nhầm chầm chầm sẽ cảm thấy ngột ngạt, mất đi sự thoải mái khi nghe.

– Cách nhìn lướt: Đây là cách nhìn mà khán giả tưởng rằng người thuyết trình đang nhìn họ, nhưng thực sự người thuyết trình không thấy họ.

– Nhắm mắt: Khi cần thể hiện cảm xúc lắng động thì người nói có thể nhắm mắt tạm thời và im lặng trong một khoảnh khắc.

     b) Ngôn ngữ hình thể trong thuyết trình qua “Nụ cười”

Khi thuyết trình, nụ cười sẽ giúp bạn tạo dựng ấn tượng tốt ban đầu. Có thể khán giả chưa từng quen biết bạn, nhưng nhờ vào nụ cười, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tạo dựng được mối quan hệ hài hòa với người nghe. Ngoài ra, nụ cười còn giúp bạn hoạt động cơ mặt, giảm tải căng thẳng. Hãy cười duyên dáng, cười nhẹ, tránh cười to thành tiếng làm mất đi duyên dáng của bạn.

     c) Ngôn ngữ hình thể trong thuyết trình qua “Đôi Tay”

Để người nghe ấn tượng hơn về thông điệp bạn truyền tải, hãy thử nhấn mạnh bài nói của mình tại những nội dung trọng điểm bằng cử chỉ tay. Tuy nhiên, sử dụng đôi tay trong thuyết trình cũng cần có những tuyệt chiêu của nó, bạn hãy lưu ý không nên chắp tay sau lưng, khoanh tay trước ngực, bỏ tay vào túi quần, nắm lấy quần, áo. Hành động này khiến người nghe cảm thấy thiếu tôn trọng khi bạn chia sẻ câu chuyện của mình, người nghe cũng sẽ có cảm nhận bạn đang thiếu tự tin khi thuyết trình. Hãy xây dựng một tư thế cởi mở bằng cách đứng thẳng lưng, đầu gối thả lỏng, đôi tay luôn mở rộng để cử động linh hoạt theo lời nói. Tham khảo một số bí quyết sử dụng đôi tay sau đây:

Nguyên tắc cái hộp

Để giúp tổng thống Bill Clinton kiểm soát được ngôn ngữ cơ thể, các cố vấn đã khuyên ông hãy tưởng tượng có một chiếc hộp trước bụng và ngực, rồi sau đó thực hiện các cử chỉ tay gói gọn trong phạm vi đó. Kể từ đó, “chiếc hộp Clinton” đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực ngôn ngữ cơ thể. Bạn có thể tham khảo và thử áp dụng.

Nguyên tắc giữ quả bóng

Steve Jobs thường xuyên áp dụng cử chỉ mô phỏng hành động như đang cầm một quả bóng rổ giữa 2 bàn tay. Đây là một dấu chỉ cho thấy sự tự tin và kiểm soát tốt, như thể bạn thực sự đang nắm giữ sự thật trên tay mình.

Tay tạo thành hình kim tự tháp

Nhiều nhà điều hành doanh nghiệp hay thực đặt 2 tay lại như hình kim tự. Hãy biểu hiện tư thế này đi kèm nụ cười thân thiện, thoải mái. Tránh lạm dụng hoặc kết hợp nó với một thái độ kiêu ngạo, tự mãn trên gương mặt sẽ gây ra phản tác dụng.

Hai bàn tay ngửa lên

Oprah Winfrey Oprah – một nữ giám đốc truyền thông, diễn viên, người dẫn chương trình trò chuyện, nhà sản xuất truyền hình và nhà từ thiện người Mỹ. Bà thường xuyên sử dụng cử chỉ này trong các bài phát biểu của mình. Cử chỉ này cho thấy sự cởi mở và trung thực, sẵn sàng kết nối chân thành với người khác.

 Hai bàn tay úp xuống

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thường sử dụng tư thế tay như thế này để làm đám đông dịu lại sau những khoảnh khắc quá hào hứng. Cử chỉ này cũng thể hiện sự tích cực, là dấu hiệu của sự mạnh mẽ, quyền lực và quyết đoán. Tuy nhiên, với những nhóm người nghe lớn tuổi, bạn hãy thật sự cân nhắc tư thế này.

     d) Ngôn ngữ hình thể trong thuyết trình qua “Cách di chuyển”

Hãy thử tập trung nhìn vào một điểm trong vòng 5 phút, ta sẽ thấy mỏi mắt. Đó là lý do vì sao khi thuyết trình, bạn không nên chỉ đứng yên một chỗ. Hãy di chuyển tạo những góc nhìn, góc nghe mới cho khán giả.

Bạn có thể di chuyển theo hình tam giác: quan tâm góc phải, chính giữa, góc trái sân khấu, lại gần khán giả tạo cảm giác gần gũi.

Lưu ý khi di chuyển, tốc độ bước đi cần hòa hợp với giọng nói, nội dung thuyết trình cũng như độ tuổi người nghe. Nếu đoạn nào cần nhấn giọng cao trào, nhanh và dứt khoát, bạn hãy di chuyển nhanh, mạnh mẽ, năng động. Ngược lại nếu đoạn nào cần âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng thì hãy bước đi khoan thai, chậm rãi.

     e) Giọng nói

Giọng nói chính là vũ khí cực kì quan trọng góp phần thành công cho bài thuyết trình của bạn. Điều tiên quyết, là giọng nói phải đảm bảo yếu tố to rõ, dễ nghe. Bạn có thể nhờ đến thiết bị âm thanh như loa, micro nhưng bạn phải làm chủ được âm lượng phát ra đủ để khán giả nghe thấy. Không quá nhỏ cũng không cần hét lên quá to, khán giả sẽ không đủ kiên nhẫn để cố gắng nghe thấy những gì bạn nói. Bạn chỉ cần nói vừa đủ nghe, luôn phiên thay đổi nhịp điệu lời nói, nhấn giọng ở những điểm trọng tâm, tăng thái độ tích cực trong âm sắc.

     f) Trang phục

Hãy tập trung vào vẻ bề ngoài của mình khi xuất hiện trước đám đông bạn nhé. Luôn nhớ, đầu tóc gọn gàng; trang phục lịch sự, thẳng thớm, màu sắc nhã nhặn; không nên đi dép mà hãy chọn giày phù hợp; trang sức đơn giản; nước hoa thơm dịu nhẹ và trang điểm nhẹ nhàng không quá lòe loẹt. Chính những điều này sẽ tạo được thiện cảm trong mắt khán giả.

5) THAM GIA CÁC KHÓA HỌC VỀ THUYẾT TRÌNH VÀ DẠY CÁCH NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG

Ngoài việc tự mình rèn luyện, bạn cũng hãy thử tham gia các khóa học liên quan đến thuyết trình và tự tin nói trước công chúng. Việc học tại các trung tâm chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn. Bạn sẽ được các thầy/cô huấn luyện, thực hành và góp ý trực tiếp. Chính điều này sẽ giúp bạn cải thiện kĩ năng thuyết trình một cách tốt nhất, hiệu quả nhất và nhanh nhất.  

Hiện tại, SUNNYCARE đang triển khai khóa huấn luyện Tư vấn kỹ năng qua video call 1:1 – Kỹ năng trình bày tự tin trong mọi tình huống, nếu bạn có nhu cầu hãy tìm hiểu tại đây.

Ngoài ra, SUNNYCARE có GÓI HUẤN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG THÀNH CÔNG TUỔI TEEN, vui lòng tìm hiểu tại đây.

VIỆN TÂM LÝ SUNNYCARE

LP 03-10 Tòa nhà LANDMARK PLUS 208 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Bình Thạnh, TPHCM

Tổng_đài_tư_vấn: 19006295

Web: kynang.sunnycare.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *