KHEN CON ĐÚNG CÁCH

“Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Từ xưa đến nay, nhiều bậc phụ huynh đã dựa vào kinh nghiệm xa xưa này để giáo dục con. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng việc quá hà khắc, thường xuyên sử dụng bạo lực một mặt có thể khiến đứa trẻ đáp ứng nhanh chóng những mong muốn của cha mẹ nhưng mặt khác, có thể khiến đứa trẻ trở lên khiếp sợ, bị bó hẹp trong khuôn khổ và không thể phát huy hết năng lực.

Ý thức được điều đó, nhiều cha mẹ đã linh hoạt hơn trong cách giáo dục con, thay vì chăm chăm vào hình phạt, đã chú trọng hơn vào việc khích lệ con thông qua những biện pháp khen thưởng. Tuy nhiên, cũng như hình phạt, việc khen thưởng trẻ cũng có thể gây ra những hệ lụy nếu không được áp dụng đúng cách. Dưới góc độ chuyên viên tham vấn tâm lý trẻ nhỏ, chúng tôi có một vài chia sẻ kinh nghiệm, mong rằng sẽ giúp các phụ huynh được như ý trong việc khích lệ con:

     1. Khen cụ thể, không khen chung chung

Những lời khen chung chung, qua loa có thể khiến bé không cảm nhận được sự chân thành từ người khen. Bên cạnh đó, bé cũng khó hiểu rõ lý do vì sao mình được khen, mình đã làm tốt việc gì? Thay vì nói với con  “con làm tốt lắm, con ngoan quá, giỏi quá” hãy nói với con: “con đã dọn phòng rất sạch sẽ, hôm nay con đã rất ngoan khi không còn giành đồ chơi với em, mẹ cảm thấy vui khi con lễ phép chào hỏi người hàng xóm mới tới…”. Những lời khen cụ thể khiến trẻ hiểu rằng bố mẹ thực sự quan tâm, theo sát, được thừa nhận những cố gắng và hiểu rõ về những giá trị của mình.

     2. Tập trung vào thái độ, sự cố gắng của trẻ thay vì chỉ khen kết quả

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen khen con “giỏi giang, thông minh ”. Cách khen này có thể khiến trẻ tự mãn về bản thân, nảy sinh tính kiêu ngạo, làm thui chột ý chí cố gắng. Trẻ được khen là thông minh, tài giỏi thường rất sợ thất bại. Vì vậy, chúng thường chọn những nhiệm vụ dễ dàng để duy trì hình ảnh của bản thân. Trong trường hợp gặp khó khăn, thất bại, trẻ dễ chán nản, bỏ cuộc, cho rằng mình kém cỏi, ngu dốt, mặc cảm, tự ti về bản thân.

Ngược lại, những trẻ được khích lệ vì thái độ tích cực (cố gắng, kiên trì, biết yêu thương, chia sẻ…) thường không hài lòng với kết quả tạm có mà luôn có ý thức phấn đấu để ngày càng tốt hơn. Vì vậy, thay vì khen con giỏi giang, thông minh, hãy nói với con: “mẹ rất vui vì con đã cố gắng, kiên trì hoàn thành bài tập khó trước khi đi chơi, con đã không quản ngại vất vả để sửa đồ chơi cho em, con đã biết chia sẻ và yêu thương khi tặng quà cho các bạn khó khăn, mẹ rất tự hào về con”.

     3. Lời khen trung thực, đúng mực

Những lời tâng bốc thái quá, khen quá nhiều mà không có lý do chính đáng có thể khiến trẻ kiêu ngạo, tự mãn về bản thân và khó khăn trong việc tiếp thu lời khuyên, lời góp ý từ người khác.Ngược lại, nếu phụ huynh tỏ ra khắt khe, tiết kiệm thái quá lời khen với con có thể khiến đứa trẻ cảm thấy bất mãn vì những cố gắng không được ghi nhận, giữa cha mẹ nảy sinh khoảng cách.

     4. Khen kịp thời, đúng lúc

Tâm lý của trẻ ở những độ tuổi khác nhau đều có sự khác biệt. Vì vậy lời khuyên cũng cần linh hoạt, có sự thay đổi sao cho phù hợp. Ở trẻ nhỏ, nhận thức còn hạn chế, trẻ chưa có khả năng kiên trì, kỷ luật, dễ chán nản, bỏ cuộc. Lúc này, những lời khen đơn giản, thường xuyên có tác dụng khích lệ rất tích cực. Khi trẻ lớn hơn, nên khen ít dần nhưng thiết thực, cụ thể, hạn chế những lời khen không cần thiết.

     5. Không so sánh với trẻ khác

Nhiều phụ huynh có tâm lý hay so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Không ít cha mẹ nói với con rằng “mẹ tự hào vì học kì này lực học của con đã vượt qua bạn A, con ngoan hơn bạn B rất nhiều” mà không biết rằng điều này có thể nuôi dưỡng tính đố kị, hơn thua ở con. Thực tế, mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh riêng, thay vì việc so sánh con với bạn bè cùng trang lứa, cha mẹ nên tập trung khuyến khích những điểm mạnh và sự thay đổi, tiến bộ của con. Điều đó một mặt giúp trẻ phát huy năng lực hiệu quả, một mặt góp phần hoàn thiện nhân cách, đạo đức.

 

HỌC VIỆN METTASOUL

Liên hệ tư vấn 038.538.6848

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *