Trong cuộc sống thường nhật, cha mẹ không phải lúc nào cũng bên cạnh con cái 24/24 giờ để chăm sóc, theo dõi. Sẽ có những lúc con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh. Vậy nhưng, con ở độ tuổi nào có thể ở nhà một mình? Thật ra, không có độ tuổi rõ ràng để cha mẹ giao cho con nhiệm vụ quan trọng này, phụ huynh cần xem xét sự hợp tác của con để có hướng dẫn cho con. Khi con bắt đầu lên năm tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn và để con ở nhà trong thời gian ngắn khoảng 10 – 15 phút, để con quen dần với việc không có cha mẹ bên cạnh con vẫn biết mình cần làm gì. Khi con đã lớn hơn, có thể tăng dần thời gian con ở nhà một mình. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn hết vẫn là đảm an toàn cho con trẻ. Hiểu được tầm quan trọng, METTASOUL chia sẻ hai nội dung cần thiết, hy vọng phụ huynh có thể áp dụng và hỗ trợ con tự lập, ở nhà một mình an toàn.
1) Phụ huynh hãy kiểm tra an toàn tại nhà
Con trẻ đang trong độ tuổi hiếu động và chưa hình dung được những trò chơi mang yếu tố rủi ro. Ví như việc các bé thích leo trèo ra hành lang, ban công, nghịch điện, nghịch lửa. Vậy nên, phụ huynh cần:
– Kiểm tra hành lang, cầu thang, ban công, cửa sổ, sân thượng đã được rào, chắn cẩn thận hay chưa. Có thể sử dụng lưới an toàn cho ban công, cầu thang lên xuống. Lắp đặt hàng rào chắn cao tại sân thượng, lắp khung sắt ở cửa sổ để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho trẻ.
– Kiểm tra đường dẫn điện, ổ điện, các thiết bị dùng điện trong gia đình. Cần đảm bảo đường dẫn điện kín, các ổ cắm điện được che chắn hoặc lắp công tắc an toàn. Các thiết bị dùng điện sau khỉ sử dụng cần đảm bảo chúng được ngắt điện và cất ở nơi an toàn.
2) Thiết lập nguyên tắc an toàn khi trẻ ở nhà một mình
Với những trẻ lần đầu ở nhà một mình, cha mẹ cần lưu ý thời gian con ở nhà một mình ngắn, khoảng 10 – 15 phút để con làm quen dần. Nếu trẻ hoàn thành tốt việc ở nhà một mình, có thể tăng dần thời gian. Hãy thiết lập cùng con những nguyên tắc an toàn, đảm bảo con hiểu và nhận thức được các tình huống nguy hiểm. Những nguyên tắc bao gồm:
– Không nấu nướng, không dùng lò vi sóng, không đụng đến bếp ga, bếp điện, bàn ủi,…
– Con không nên thông báo đến người khác là mình ở nhà một mình, không rủ bạn bè qua nhà chơi.
– Không leo trèo ban công, cửa sổ, chạy nhảy nơi cầu thang hay sân thượng.
– Luôn đóng cửa sổ và cửa ra vào. Chỉ mở cửa khi có trường trường hợp khẩn cấp. Các trường hợp khẩn cấp như: cháy nổ, có người lạ đột nhập vào nhà hoặc khi cha mẹ yêu cầu con mở cửa. Lưu ý các trường hợp khẩn cấp, con cần di chuyển ngay đến nơi an toàn, nhờ sự giúp đỡ từ người đáng tin cậy.
– Không mở cửa cho ai vào nhà, luôn gọi hỏi ý kiến cha mẹ nếu có người thân, người quen, người lạ muốn vào nhà. Dạy con nói: “Đợi cha, mẹ con về con mới mở cửa được”. Dạy con ở trong nhà và không giao tiếp với người lạ, không nhận quà bánh từ người lạ.
– Không tự ý ra khỏi nhà.
– Gọi cho cha mẹ khi xảy ra bất kỳ sự việc hay sự cố nào.
Bên cạnh việc thiết lập nguyên tắc an toàn, cha mẹ cũng cần chuẩn bị:
– Cho trẻ xem một số video tình huống kẻ xấu dụ dỗ, hoặc kể một số câu chuyện để con học cách giải quyết tình huống giả định.
– Chỉ cho trẻ cách gọi điện thoại cho cha mẹ hoặc các số khẩn cấp khi cần giúp đỡ.
– Cho trẻ giữ chìa khóa để mở cửa ra vào nhà, nhắc nhở con trong những trường hợp cháy nổ, con không tự ý xử lý mà cần tìm đến nơi an toàn và hô hoán nhờ sự giúp đỡ.
– Dán số điện thoại quan trọng của những người trẻ có thể nhờ giúp đỡ ở những nơi dễ thấy trong nhà. Luôn luôn bao gồm những số 113, 114 và 115 ở ngay đầu danh sách.
– Hãy chuẩn bị trong nhà bộ sơ cứu và một chiếc đèn pin ở nơi trẻ dễ lấy, phòng khi có việc khẩn cấp như mất điện, bé đứt tay,… bé có thể tự giải quyết vấn đề của mình.
– Chuẩn bị sẵn thức ăn cho trẻ thay vì cho phép trẻ nấu ăn khi không có sự giám sát của người lớn trong nhà.
– Những vật dụng, đồ đạc nguy hiểm như hóa chất, thuốc độc hại, dao,… cần được khóa kĩ ở trong tủ và xa tầm với của trẻ.
– Cha mẹ cần lưu ý điện thoại, tránh tình trạng trẻ không kết nối được với bố mẹ khi cần.
– Lập ra một danh sách những việc trẻ cần làm và yêu cầu con hoàn thành để trẻ không thấy nhàm chán mà tò mò, nghịch ngợm phát sinh nhiều tình huống nguy hiểm.
– Nếu có điều kiện, cha mẹ hãy lắp đặt Camera để quan sát khi con ở nhà một mình.
METTASOUL tin rằng, với tình yêu thương tuyệt vời từ phụ huynh, các con sẽ được nâng đỡ trên bước đường thành công. Bất cứ khi nào phụ huynh cần sự trợ giúp, METTASOUL luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng hành trên chặng đường nuôi dạy con cái. Chúc gia đình vui vẻ, hạnh phúc và tự tin sống thành công. Phụ huynh cần chuyên gia tâm lý trợ giúp, chúng tôi luôn ấm áp chào đón qua lịch hẹn tại đây.