KHUYẾN KHÍCH CON TỰ LẬP

Nhiệm vụ giáo dục của người làm cha mẹ suy cho cùng là giúp chúng trở thành những cá nhân độc lập mà một ngày nào đó chúng sẽ sống một mình không cần đến cha mẹ. Con cái không là bản sao của cha mẹ, mà là cá thể độc nhất vô nhị, với những tâm tính khác nhau, gu thẩm mỹ khác nhau, cảm xúc khác nhau, ước mơ và khao khát cũng khác nhau. Vậy, làm cách nào để phụ huynh giúp con cái của mình trở nên độc lập? Khi mà xã hội đầy rẫy những cạm bẫy, chứa đựng nhiều nguy cơ làm tổn hại đến con cái, cha mẹ mang trong mình nhiều nỗi sợ: sợ con bị bắt cóc nếu tự đi học một mình, sợ con bị thương nếu tự dọn mảnh vỡ từ cái chén con làm rơi, sợ con bị đói nếu không tự mình xúc cơm ăn,… và rồi, dần dần cha mẹ thay con làm hết mọi việc đáng lẽ ra chúng phải tự mình thực hiện. Thật ra, có một công thức chung cho việc để con trở nên độc lập, đó là cho phép chúng làm những công việc phục vụ cho cá nhân chúng, để con tự vật lộn với những vấn đề của mình, chỉ có như vậy chúng mới tự rút ra bài học từ những lỗi lầm của mình.

Thế nhưng thực tế lại cho thấy, không dễ dàng khi phụ huynh khuyến khích tính tự lập nơi con. Khi còn là một nhà giáo Montessori, tôi từng chăm chú quan sát cách phụ huynh đến đón con mỗi chiều. Dù rằng, các cô chăm sóc luôn động viên cha mẹ hãy để con tự lấy ba lô, tự mang giày, tự cột dây giày, tự mặt áo khoác, tự kéo dây khóa áo khoác, thế nhưng phần lớn số phụ huynh tôi quan sát, giống nhau ở một điều: “chưa kiên nhẫn đợi con – chưa khuyến khích con tự lập”.

Khi cậu bé ba tuổi đang vật vã để mang chiếc giày vào chân, người mẹ đứng kế bên và nói, để mẹ làm cho, con làm lâu quá. Và rồi, đứa bé chỉ cần ngồi đó, đã có mẹ mang giày giúp mình.

Một bé gái 4 tuổi khác, cũng đang rất tập trung cài khuy áo sơ mi dài tay mà bà của bé gọi là áo khoác. Tôi thích thú nhìn bé gái ấy say mê cài vào, gỡ ra, rồi lại cài vào. Dù bé cài bị lệch cúc trên cúc dưới, phải làm đi làm lại nhiều lần nhưng ánh mắt của bé không hề có sự khó chịu hay chán nản. Chỉ duy có người Bà đứng kế bên bé gái tỏ ra mất kiên nhiễn khi nhìn thấy cháu gái cứ làm sai nhiều lần. Bà cứ liên tục nói: “Có cái áo cũng không cài cúc được; con có làm được không, để bà làm cho; làm nhanh lên con, bà đợi lâu quá rồi, hôm sau để bà mặc cho nhanh”.

Đây chỉ là hai ví dụ trong vô số câu chuyện người lớn chưa trao cho con cơ hội được tự trải nghiệm, hoặc không hài lòng với việc con làm chưa tốt, hoàn thành chậm trễ, mất nhiều thời gian.

Hầu hết, phụ huynh đều không muốn con mình phạm phải sai lầm, con chỉ cần nghe lời khuyên từ cha mẹ bởi cha mẹ hiểu chuyện đó hơn con. Con còn nhỏ tuổi, thiếu kinh nghiệm, phụ huynh sẽ làm giúp, phải nói và chỉ dạy cho chúng thật nhiều. Vấn đề chính ở đây là khi con liên tục phụ thuộc vào cha mẹ, con sẽ mất dần đi tính chủ động, luôn chờ đợi người khác giúp đỡ.

Có cách nào nhằm giảm thiểu những cảm xúc bị lệ thuộc cho con cái chúng ta không? Có cách nào giúp các con trở thành người có trách nhiệm, có thể tự mình thực hiện nhiệm vụ, bổn phận của mình? Viện Tâm lý SUNNYCARE gợi ý những kỹ năng cụ thể mà phụ huynh có thể áp dụng nhằm giúp trẻ tự tin cậy vào chính bản thân mình mà không phải phụ thuộc và cha mẹ.

  • Để con tự lựa chọn, tôn trọng quyết định của con.

Những câu hỏi định hướng giúp con tự chọn lựa sẽ là giải pháp tốt hơn những câu mang tính ép buộc con thực hiện.

Ví dụ 1: Thay vì nói: Con hãy mặc áo vào đi, trời lạnh sẽ bệnh đấy!

 Hãy nói: Con thấy mình muốn mặc áo màu đỏ, hay màu xám? Áo màu xám sẽ giúp con ấm hơn!

Ví dụ 2: Thay vì nói: Con phải tự dọn chén bát sau khi ăn.

Hãy nói: Tất cả chúng ta ăn xong sẽ tự dọn chén bát, con muốn dọn chén của con thôi hay sẽ dọn giúp phần của mẹ luôn?

Ví dụ 3: Thay vì nói: Con cần phải uống nhiều nước.

Hãy nói: Con muốn uống nữa ly hay cả một ly nước.

  • Tin tưởng con sẽ làm được, để con thực hành cuộc sống thực tiễn ngay khi còn nhỏ

Hãy giao cho con tự thực hiện nhiệm vụ của mình. Học viện METTASOUL gợi ý phụ huynh bảng mô tả công việc cho con. Ngay từ những ngày con bắt đầu lên 2 tuổi, cha mẹ hãy đồng hành giúp con tự thực hiện những nhiệm vụ này. Theo dõi mức độ hoàn thiện của con, lưu ý chỉ theo dõi chứ không chỉ trích con. Khi bé lớn dần lên, hãy gợi ý những công việc khó hơn.

CÔNG VIỆC

KIỂM TRA MỨC ĐỘ HOÀN THIỆN

Chăm sóc bản thân

Đánh răng

 

Chải tóc

 

Tự treo quần áo, mũ

 

Cài khuy áo

 

Thắt nơ, thắt dây giày

 

Khâu may đồ vật ( sử dụng kim phù hợp với độ tuổi)

 

Xếp khăn ăn

 

Tự cắt đồ ăn (sử dụng dao phù hợp với độ tuổi)

 

Nghiền, rắc, tự làm một số món ăn

 

Rửa tay trước khi ăn

 

Rửa tay sau khi đi vệ sinh

 

Rửa tay, miệng sau bữa ăn

 

Set up bàn ăn cá nhân (thảm ăn, yếm, muỗng…)

 

Dọn chén bát bẩn của mình vào chậu, dọn thảm ăn và yếm ăn vào khay

 

Cởi quần/ áo, mặc quần/ áo

 

Cởi giày dép, mang giày dép

 

Bỏ quần áo bẩn vào giỏ đồ bẩn

 

Bỏ khăn lau bẩn vào giỏ khăn bẩn

 

Bỏ rác vào thùng rác

 

Gấp quần áo gọn gàng

 

Tự xúc ăn gọn gàng

 

Kiểm soát việc đi tiểu

 

Kiểm soát được việc đi cầu

 

Sử dụng giấy lau (lau mũi, hắt xì, ho)

 

Tự rót nước uống

 

Chăm sóc môi trường

Lau nước trên sàn bằng khăn

 

Quét nhà bằng chổi đót nhỏ phù hợp độ tuổi

 

Cọ sàn nhà vệ sinh bằng chổi nhựa

 

Lau kiếng bằng cây lau kiếng

 

Lau lá cây

 

Cắt lá cây úa vàng bằng kéo nhỏ

 

Dùng bình tưới có vòi sen – tưới cây ngoài vườn

 

Dùng bình tưới có vòi – tưới cây trong nhà

 

Rửa chén, ly, đĩa

 

 

  • Cho con thời gian, kiên nhẫn đợi con thực hiện công việc của mình

Trong quá trình con thực hiện công việc của mình, cha mẹ hãy kiên nhẫn đợi con hoàn thành, đặc biệt là các bé ở độ tuổi nhỏ. Nếu trong trường hợp cha mẹ đang trễ giờ, cần con hoàn thành công việc nhanh chóng, cha mẹ có thể hỗ trợ giúp con. Tuy nhiên, cha mẹ cần thông báo, trước khi tiến hành giúp con.

Ví dụ: Nếu mẹ sắp trễ giờ làm, cần con mang giày nhanh chóng để Mẹ có thể đến công ty kịp giờ. Thay vì im lặng mang giày cho con, cha mẹ cần thông báo: Vì mẹ trễ giờ làm rồi, nên sáng nay mẹ sẽ giúp con mang giày. Hôm sau con sẽ tự mang giày nhé!

  • Thể hiện lòng tôn trọng sự đấu tranh chật vật của con

Người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con lại chưa từng là người lớn. Người lớn thấy vấn đề của đứa trẻ chỉ như cái miệng giếng, nhưng với đứa trẻ ấy đó là cả bầu trời. Cha mẹ mặc quần áo một cách dễ dàng nhưng với đứa con 3 tuổi, việc cài từng cút áo là cả một quá trình đấu tranh chật vật để hoàn thành. Vậy nên người lớn hãy tôn trọng sự cố gắng đó của con. Đừng mỉa mai sự nỗ lực từ con.

  • Đừng vội trả lời ngay những câu hỏi của con

Hãy để con tò mò với những thứ xung quanh, thay vì để con có ngay câu trả lời hãy hướng con tự động não suy nghĩ hoặc gợi ý cho con những cách thức tìm kiếm thông tin hiệu quả.

  • Đừng dập tắt hy vọng của con

Khi con chia sẻ mong muốn, khát vọng của mình, thay vì dập tắt hy vọng, cha mẹ hãy bảo vệ chúng khỏi thất vọng, hãy thấp sáng ước mơ, nỗ lực của con, dù cho ước mơ đó có viển vông và không thực tế.

Ví dụ: Khi con nói: “Mẹ ơi con muốn trở thành siêu nhân”. Thay vì nói: “Siêu nhân không có thực đâu con, đừng ảo tưởng viển vông”. Hãy thử trả lời: “Con nghĩ mình thích trở thành siêu nhân à, hãy cho mẹ biết vì sao được không? Theo con, siêu nhân cần có những tố chất gì? Có cần mạnh mẽ, có cần thông minh không,…?”

Học viện METTASOUL tin rằng, khi cha mẹ chuyển giao cho con những trách nhiệm thuộc về chúng, cha mẹ sẽ thấy hạnh phúc khi con bạn tự lập. Trên hành trình nuôi dạy con cái, sẽ có những lúc cha mẹ thấy khó khăn, trăn trở. Phụ huynh cần chuyên gia tâm lý trợ giúp, chúng tôi luôn ấm áp chào đón qua lịch hẹn tại đây.

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *